Đắk Nông thắng lợi về mã vùng trồng
Năm 2023 có thể nói là năm Đắk Nông thắng lớn về các hoạt động cấp, quản lý mã vùng trồng.
Năm 2023, doanh nghiệp tư nhân Toàn Hằng, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, đã được cơ quan chức năng cấp các mã số vùng trồng, đóng gói xuất khẩu các sản phẩm sầu riêng vào thị trường Trung Quốc. Đây là một trong những doanh nghiệp có số lượng mã, diện tích vùng trồng phục vụ xuất khẩu lớn tại Đắk Nông.
Hiện doanh nghiệp này có hơn 50 hộ dân liên kết sản xuất sầu riêng, diện tích đạt trên 100ha. Năm vừa qua, doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động nhằm được cấp mã vùng trồng bằng nhiều hình thức.
Cụ thể như doanh nghiệp bám sát các văn bản hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương, địa phương; chuẩn bị chu đáo về nhà xưởng để vượt qua các vòng kiểm tra, kiểm soát về quy trình, chất lượng.
Trong đó có thể nói việc người dân chủ động liên kết, có trách nhiệm đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc được cấp mã xuất khẩu. Cán bộ nông nghiệp địa phương cũng đã sát cánh hỗ trợ doanh nghiệp trong cả quá trình đến kết quả cuối cùng.
Theo ông Nguyễn Đình Trường, thôn 16, xã Đắk Wer, năm 2023, gia đình đã có mức thu nhập khá từ vườn sầu riêng 2ha. Điều này có được một phần là nhờ sản phẩm quả sầu riêng tươi của gia đình thông qua Công ty Toàn Hằng được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, nên giá bán cao hơn so với mọi năm.
Nhiều năm nay, ông đã canh tác theo quy trình VietGAP. Ông tuân thủ nhiều quy tắc nhằm bảo đảm chất lượng sầu riêng như hạn chế phun xịt hóa chất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, bảo đảm thời gian cách ly, an toàn thực phẩm...
Theo bà Nguyễn Thị Lương, Phó Phòng NN-PTNT huyện Đắk R’lấp, năm 2023 địa phương đạt kết quả cao trong hoạt động cấp mã số vùng trồng. Đến nay, huyện có 20 cơ sở đã được cấp mã vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Trong đó, gồm 13 mã vùng trồng sầu riêng, với diện tích 307,8ha; 7 mã vùng trồng chanh dây, với diện tích 42,1ha; 4 mã cơ sở đóng gói, với diện tích 5.170m2. Việc được cấp mã là bước tiến mới cho ngành Nông nghiệp huyện trong quá trình phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông, hoạt động cấp mã vùng trồng đã được ngành coi trọng từ nhiều năm nay. Riêng năm 2023 đạt kết quả cao nhất ở hoạt động này từ trước tới nay.
Năm 2023, Đắk Nông đã được cấp 44 mã vùng trồng, mã đóng gói. Trong đó, có 36 vùng trồng, 8 cơ sở đóng gói. Như vậy, đến nay, Đắk Nông đã có 37 mã vùng trồng, 10 mã cơ sở đóng gói.
Trong năm qua, có 4 mã cơ sở đóng gói xuất khẩu 1.497 tấn sầu riêng. Trong đó có 1.197 tấn sầu riêng quả xuất khẩu sang Trung Quốc và 300 tấn cơm sầu riêng sang Thái Lan.
Tỉnh Đắk Nông phấn đấu đến năm 2030 sẽ triển khai cấp 648 mã số vùng trồng cho các cây trồng chủ lực, thế mạnh của tỉnh và địa phương, với tổng diện tích 9.928,17ha.
Trong đó, tỉnh Đắk Nông sẽ ưu tiên cấp 148 mã số vùng trồng cho vùng sản xuất nông sản thuộc quy hoạch các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nguyên liệu, với diện tích 7.428ha.
Ngoài ra, Đắk Nông sẽ cấp khoảng 500 mã số vùng trồng cho các tổ chức, cá nhân đăng ký hồ sơ, với diện tích khoảng 2.500ha trên tất cả các loại cây trồng tại địa phương.