Đắk Nông thẩm tra dự thảo nghị quyết về tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Chiều 27/11, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Đắk Nông tiếp tục thẩm tra các báo cáo, dự thảo, tờ trình của UBND tỉnh trình Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa IV
UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đắk Nông Y Quang BKrông tham dự.
Tại cuộc họp, đại biểu tập trung thẩm tra tờ trình của UBND tỉnh về việc đề nghị thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 2/8/2018 của HĐND tỉnh Đắk Nông về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tỉnh Đắk Nông đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 12/NQ-HĐND tỉnh ngày 2/8/2018 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh (Nghị quyết 05 và Nghị quyết 12).
Theo đánh giá, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 05 về cơ cấu lại ngành nông nghiệp và Nghị quyết phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bước đầu có những tác động tích cực, đưa ngành Nông nghiệp phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao. Qua đó, tiếp tục khẳng định được vai trò và vị trí quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực
Tuy nhiên, quá trình thực hiện phát sinh một số vấn đề đòi hỏi cần điều chỉnh. Cụ thể, nhiều quy định hiện hành không còn phù hợp với thực tiễn; thiếu hụt nhân lực chất lượng cao và vốn đầu tư khiến việc thực hiện các mục tiêu gặp khó khăn; sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ đòi hỏi điều chỉnh các định hướng để theo kịp xu thế.
Nội dung tờ trình đề xuất sửa đổi tập trung các nội dung như: cập nhật mục tiêu và định hướng, cải thiện chính sách hỗ trợ phát triển nhân lực.
Qua thảo luận và phân tích, các đại biểu cho rằng tờ trình dự thảo nghị quyết cần được xem xét kỹ lưỡng hơn vì hiện tại chưa đáp ứng đủ căn cứ, cơ sở và điều kiện để thông qua.
Đại biểu đề nghị đánh giá toàn diện kết quả thực hiện, lấy ý kiến chuyên gia và các bên liên quan. Hiện nay, định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh chưa được thông qua, dẫn đến thiếu căn cứ để điều chỉnh nội dung nghị quyết. Tờ trình hiện mới đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu và giải pháp, nhưng chưa làm rõ các mục tiêu cụ thể và nguồn lực thực hiện.
Trên cơ sở phân tích, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại toàn bộ nội dung tờ trình, bảo đảm bám sát thực tiễn, đánh giá kỹ các kết quả đạt được và bổ sung các căn cứ cần thiết. Điều này nhằm xây dựng một nghị quyết mới hoặc sửa đổi phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.