Đắk Nông thăm dò khảo cổ hang Tà Đùng
Sáng 9/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông phối hợp với Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ và Tây Nguyên, địa phương tổ chức Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò khảo cổ tại hang Tà Đùng, bon Srê, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong.

Cuộc thăm dò khảo cổ được tiến hành theo Quyết định số 751/QĐ-BVHTTDL, từ ngày 20/4 đến 20/5/2025, với diện tích được cấp phép là 8m², gồm 3 hố khai quật (H1: 2m², H2: 2m², H3: 4m²).
Địa điểm khảo cổ hang Tà Đùng là một hang động thứ sinh, được hình thành do quá trình xâm thực ngang của nước, khác biệt hoàn toàn so với hang động núi lửa Krông Nô. Hang có hình dáng hàm ếch, cửa hang rộng khoảng 16m, sâu 3–8m và cao 0,5–5m.

Địa điểm này được phát hiện vào năm 2023 bởi ThS. Vũ Tiến Đức, TS. La Thế Phúc và các cộng sự. Một số kết quả nghiên cứu bước đầu đã được công bố tại Hội nghị thông báo khảo cổ học toàn quốc năm 2024 và trên các tạp chí chuyên ngành.

Mục tiêu của đợt thăm dò bao gồm xác định phạm vi, niên đại và tính chất của di tích, thu thập hiện vật phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày và định hướng bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Ba hố khai quật được bố trí tại các vị trí khác nhau trong và xung quanh hang. Quá trình khai quật tuân thủ nghiêm ngặt quy trình khoa học, chia ô, đào lớp, định vị hiện vật và ghi chép địa tầng. Hố 25.HTĐ.H1, nằm chính giữa hang, được khai quật đến lớp thứ 5, phát hiện một số hiện vật khảo cổ như mảnh tước, đá nguyên liệu, mảnh gốm và than tro. Một mẫu than tro đã được lấy để phân tích niên đại bằng phương pháp C14.

Hố 25.HTĐ.H2 nằm ở rìa ngoài hang, có độ sâu 0,9m, gồm 10 lớp. Lớp mặt bị xáo trộn do canh tác, nhưng tầng văn hóa bên dưới vẫn bảo tồn khá nguyên vẹn. Hố 25.HTĐ.H3 nằm phía trên hang, sâu đến lớp thứ 9. Tầng văn hóa ghi nhận dấu tích hoạt động của con người thời tiền sử.

Sau khai quật, các hố H2 và H3 được lấp lại hoàn toàn, riêng hố H1 được bảo quản tại chỗ để phục vụ nghiên cứu tiếp theo. Hiện vật thu thập được mang về phòng thí nghiệm để chỉnh lý, phân tích và báo cáo theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa.

Sau khi tiến hành khảo sát thực địa tại các hố khai quật, hội nghị đã bước đầu ghi nhận những giá trị khảo cổ học quan trọng của hang Tà Đùng. Điều này mở ra tiềm năng nghiên cứu sâu rộng hơn trong tương lai. Đây là căn cứ khoa học quan trọng để xây dựng phương án bảo tồn, phát huy giá trị di tích, đồng thời góp phần làm phong phú thêm nguồn tư liệu về lịch sử – văn hóa của khu vực Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.