Đắk Nông thả gần 583.000 con cá giống để bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, tỉnh Đắk Nông đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng mặt nước tại địa phương.
Đắk Nông chủ yếu khai thác thủy sản ở các hệ thống sông lớn như sông Sêrêpốk, sông Krông Nô, sông Đồng Nai và các hồ chứa thủy điện trên lưu vực các sông này như: hồ Buôn Kuốp, Sêrêpốk 3, Sêrêpốk 4, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4.
.jpg)
Ngoài ra, người dân còn khai thác thủy sản không tập trung ở các hồ chứa thủy lợi vừa, nhỏ và các sông suối trên địa bàn toàn tỉnh.
Tuy nhiên, tình trạng khai thác thủy sản bằng chất nổ, xung điện vẫn diễn ra. Khai thác không đúng mùa vụ và kích thước cho phép làm suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản tự nhiên, song công tác kiểm tra, kiểm soát chưa được thực hiện thường xuyên.
Ông Nguyễn Thanh Viễn ở xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút (Đắk Nông) trước đây thường đi lưới cá để cải thiện cuộc sống gia đình. Nhưng những năm gần đây, ông Viễn đã từ bỏ thói quen chài lưới.
Ông Viễn cho biết: “Cá bây giờ hầu như không còn sinh sôi như ngày xưa nữa. Tại những khe suối, ao hồ tự nhiên, đi câu cả ngày cũng không có cá.”
.jpg)
Còn theo ông Nguyễn Văn Thành ở xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô, thì những năm gần đây môi trường nước sông bị ô nhiễm nặng. Mực nước giảm sâu nên cá tôm không sinh sôi được.
Trên đồng ruộng, ao đầm cũng bị ô nhiễm bởi phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ… đã cướp đi môi trường sống của các loài thủy sinh.
Tình trạng trên đã khiến các loài thủy sản ngày càng suy giảm về sản lượng và trọng lượng. Nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao hiện nay rất ít gặp như cá mõm trâu, cá anh vũ…
Mặt khác, các loài cá có giá trị kinh tế cao ngoài tự nhiên như cá trắm cỏ, cá chép… cũng đang trong tình trạng suy giảm, trọng lượng cá đánh bắt được ngày càng thấp.
.jpg)
Từ năm 2014 đến nay, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tổ chức 7 lớp tập huấn, tuyên truyền bằng panô, cấp phát 5.800 tờ rơi, 926 cuốn sổ tay cho các huyện, thành phố về việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Tại các buổi tuyên truyền các quy định của pháp luật về công tác bảo vệ, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản do các cấp ngành, địa phương tổ chức cũng thu hút khoảng 1.000 người dân tham gia.
Qua tuần tra đã phát hiện 123 trường hợp vi phạm, trong đó nhắc nhở 121 trường hợp và xử lý vi phạm hành chính đối với 2 trường hợp do vi phạm về sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc và hóa chất trong khai thác thủy sản, với số tiền xử phạt 6 triệu đồng.
Để bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản tự nhiên, tạo sinh kế cộng đồng, bảo vệ sinh thái, hơn 10 năm qua, Đắk Nông đã thực hiện 41 đợt thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, với số lượng trên 582.920 con. Các loài được thả bao gồm các loài cá truyền thống như cá trắm, cá trôi, cá chép, cá mè hoa, cá rô phi, cá diêu hồng và các loài cá bản địa như cá lăng, cá thát lát, cá trê, lươn, cá rô đồng, cá lóc đen…
.jpg)
Theo ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Nông, hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản không chỉ nằm ở số lượng cá được thả, mà quan trọng hơn là sự cam kết của người dân Đắk Nông trong việc bảo vệ nguồn lợi tự nhiên, hướng tới khai thác bền vững và hiệu quả.
Tỉnh Đắk Nông hiện có tổng diện tích mặt nước các sông, suối và hồ chứa khoảng 17.500 ha. Trong đó, diện tích mặt nước các thủy điện như: Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp, Đồng Nai 3 và các hồ chứa thuỷ lợi, các ao nuôi hộ gia đình. Năm 2024, diện tích nuôi trồng thuỷ sản đạt gần 1.000ha, sản lượng đạt khoảng 7.300 tấn.