Đắk Nông tập trung khống chế 5 ổ dịch thủy đậu
Hiện nay, trên toàn tỉnh Đắk Nông ghi nhận 46 trường hợp mắc bệnh thủy đậu. Ngành Y tế tỉnh đã tăng cường thực hiện nhiều biện pháp để ngăn ngừa nguy cơ bùng phát dịch.
Ghi nhận 46 trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông, từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 29/2/2024, toàn tỉnh ghi nhận 46 trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu tại 5/71 xã/phường/thị trấn thuộc 3/8 huyện, thành phố.
Cụ thể, tại huyện Đắk Song ghi nhận 21 ca, Krông Nô 22 ca và TP. Gia Nghĩa 3 ca. Trên địa bàn tỉnh ghi nhận 5 ổ dịch tại phân hiệu thôn E29, Trường tiểu học Ngô Gia Tự, xã Đắk Môl; phân hiệu Trường mầm non Hoa Ban, thôn 3, xã Thuận Hà; Trường tiểu học Chu Văn An, thị trấn Đức An; Nhóm trẻ lớp mẫu giáo An Thành, thị trấn Đức An đều nằm trên địa bàn huyện Đắk Song và ổ dịch tại Nhà may mắn, thôn Đức Lập, xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô. Tại TP. Gia Nghĩa ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh tại phường Nghĩa Trung, Nghĩa Phú và Quảng Thành. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh thủy đậu chưa xác định được nguồn lây. Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận, các ổ dịch được phát hiện sớm, triển khai các biện pháp xử lý kịp thời nên đã hạn chế lây lan, gia tăng số ca mắc.
Theo ngành Y tế, bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do vi rút Varicella Zoster gây ra. Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Khi bị mắc, người bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền của bệnh từ 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh kéo dài từ 7-10 ngày.
Bệnh có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn nhưng phổ biến hơn ở trẻ em, nhất là trẻ em học mẫu giáo và tiểu học. Phụ nữ mang thai mắc thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sẩy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi.
Chủ động ngăn ngừa bệnh bùng phát thành dịch
Sau khi trên địa bàn tỉnh ghi nhận các ổ dịch thủy đậu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thành phố tăng cường công tác giám sát, tổ chức điều tra dịch tễ trong khu vực có ca bệnh. Trong đó, chú trọng các cơ sở giáo dục và tại một số địa bàn trọng điểm để cảnh báo dịch sớm. Khi có ca bệnh nghi ngờ thủy đậu phải kịp thời tiến hành cách ly, xử lý theo quy trình, không để dịch lây lan, hạn chế tối đa xảy ra biến chứng, không để tử vong.
Ngành Y tế phối hợp với ngành Giáo dục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại các trường học. Trung tâm cũng yêu cầu, các cơ sở y tế chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, thiết bị, nhân lực để sẵn sàng xử lý khi dịch xảy ra.
Vi rút gây bệnh thủy đậu được xếp vào nhóm vi rút lây lan mạnh. Hiện vắc xin phòng thủy đậu chưa được đưa vào dự án tiêm chủng mở rộng nên độ bao phủ chưa cao. Điều này khiến tỷ lệ mắc bệnh rất nhiều, không chỉ trẻ em mà cả ở người lớn.
Bác sĩ Lê Thanh Tùng, Phó trưởng Khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông
Để chủ động phòng chống dịch bệnh, ngành Y tế Đắk Nông khuyến cáo người dân nên hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh. Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện, để tránh lây lan. Người dân nên thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng. Nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt vệ sinh bằng các chất sát khuẩn thông thường. Đặc biệt, các bậc phụ huynh cần chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.