Đắk Nông tập trung cho đột phá giao thông
Xác định giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng, Đắk Nông đang nỗ lực tập trung nguồn lực để phát triển giao thông thành đột phá chiến lược, khơi thông “điểm nghẽn”, tạo điều kiện để kinh tế - xã hội bứt phá.
Xác định giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng, Đắk Nông đang nỗ lực tập trung nguồn lực để phát triển giao thông thành đột phá chiến lược, khơi thông “điểm nghẽn”, tạo điều kiện để kinh tế - xã hội bứt phá.
Tỉnh Đắk Nông được tái lập ngày 1/1/2004 với nhiều khó khăn với các tỉnh khác trong vùng. Đắk Nông là địa phương non trẻ với điểm xuất phát thấp, điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém, đặc biệt là hạ tầng giao thông.
Năm 2004, toàn tỉnh Đắk Nông có 3.412 km đường bộ. Tỷ lệ đường được nhựa hóa, cứng hóa thời điểm đó chỉ đạt 14%. Số lượng 86% còn lại là đường đất, đường cấp phối. Việc đi lại, thông thương hàng hóa của bà con trong tỉnh và ngoại tỉnh gặp rất nhiều khó khăn.
Thời điểm đó, toàn tỉnh Đắk Nông có 9 đơn vị kinh doanh vận tải theo tuyến cố định với 122 phương tiện. Tổng số tuyến vận tải hành khách cố định là 52 tuyến. Khối lượng vận chuyển hàng hóa năm đạt 378.000 tấn/năm.
Theo Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) Đắk Nông Nguyễn Nhân Bản, Gia Nghĩa trước đây là thị trấn của huyện Đắk Nông - 1 huyện khá xa của tỉnh Đắk Lắk (cũ). Sau khi tái lập tỉnh Đắk Nông, Gia Nghĩa chuyển mình lên thị xã, nhưng có quá nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất.
Ông Bản chia sẻ: Mạng lưới giao thông thời điểm đó chưa đồng bộ, kết cấu chủ yếu là đường đất, thường lầy lội vào mùa mưa. Trong khi đó, phương tiện lạc hậu nên việc đầu tư sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn này nhỏ lẻ, chưa tập trung.
Hàng hóa chưa đa dạng do khâu vận chuyển phát sinh nhiều chi phí, làm ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế - xã hội, giảm sức cạnh tranh và giảm sức hút đầu tư vào các ngành khác.
Năm 2015, Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên chính thức khánh thành. Toàn bộ 553 km đường từ Tân Cảnh (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước) được nâng cấp đồng bộ theo tiêu chuẩn cấp III đồng bằng (nền rộng 12 m, thảm nhựa 11 m). Đường Hồ Chí Minh được nâng cấp, mở rộng đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ cho nhiều tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Đắk Nông.
Từ đó, Đắk Nông đã có sự chuyển mình đáng kinh ngạc. Quãng đường hơn 120 km kết nối trung tâm 2 tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông đã thuận lợi hơn nhiều. Những chuyến xe khách, xe chở hàng hóa ở Đắk Nông đi các nơi tiêu thụ cũng ngày càng nhiều hơn.
Mạng lưới giao thông ở Đắk Nông từng bước được định hình. Tuyến tỉnh lộ 4 được Bộ GTVT nâng cấp thành quốc lộ 28. Toàn tuyến quốc lộ 28 đi qua Đắk Nông dài 174 km đã từng bước được cải tạo, sửa chữa những đoạn xung yếu. Tuyến đường này đang từng bước tạo ra động lực cho kinh tế - xã hội huyện nghèo Đắk Glong và vùng kinh tế trọng điểm của Đắk Nông là huyện Krông Nô.
Ở phía gần biên giới, quốc lộ 14C qua Đắk Nông đã được Trung ương quan tâm đầu tư, cải tạo. Những năm gần đây, hệ thống tỉnh lộ được đầu tư nguồn lực khá lớn. Các tuyến đường liên xã, đường thôn, bon được cứng hóa.
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, hiện mạng lưới giao thông được nâng cấp hoàn thiện, tỷ lệ nhựa hóa đường giao thông toàn tỉnh đạt 70% so với 14% năm 2004. Các tuyến quốc lộ qua tỉnh đã được nâng cấp, mở rộng và nhựa hóa 100%. Các tỉnh lộ, quốc lộ 14C và các tuyến đường liên huyện, liên xã được đầu tư. Tỷ lệ nhựa hóa đường tỉnh lộ đạt 100% và tỷ lệ mặt đường đạt quy mô 2 làn xe 31%. Tỷ lệ nhựa hóa đường huyện đạt 88% và tỷ lệ cứng hóa đường xã, thôn bon hiện là 53%.
Những năm qua, Đắk Nông luôn thể hiện “khát vọng” kêu gọi, thu hút đầu tư, tạo ra động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh tổ chức các hội nghị, chương trình xúc tiến đầu tư và mời các chuyên gia kinh tế - xã hội để nghiên cứu, hỗ trợ cho sự phát triển của tỉnh.
Theo các chuyên gia, Đắk Nông có nhiều tiềm năng, thế mạnh, nhất là về nông nghiệp, khai thác bô xít, sản xuất alumin. Tỉnh có nhiều mặt hàng đặc trưng, có thể xuất khẩu ra thế giới. Tuy nhiên, giao thông vẫn là điểm yếu, là “nút thắt” đối với sự phát triển.
Đắk Nông chỉ có duy nhất 1 loại hình giao thông là đường bộ nên việc đưa hàng hóa đi các tỉnh, thành phố và vươn ra thế giới gặp không ít khó khăn. Để đưa những chuyến hàng của Đắk Nông đi ra thế giới thì hàng hóa phải tiếp cận được các cảng biển nước sâu. Và con đường gần nhất, nhanh nhất chính là hướng về Cảng Cái Mép - Thị Vải (Vũng Tàu).
Tỉnh Đắk Nông đã sớm nhìn ra tầm quan trọng của việc phát triển giao thông, đặc biệt là giao thông hướng tuyến này. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã tiếp tục xác định phát triển cơ sở hạ tầng trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông vận tải là 1 trong 3 khâu đột phá của tỉnh.
Trong đó, Đắk Nông xác định đột phá chiến lược là “Thúc đẩy dự án đường cao tốc Tây Nguyên - TP. Hồ Chí Minh, sớm ưu tiên triển khai trước đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành ...”.
Ngoài những nhiệm vụ nâng cao tỉ lệ nhựa hóa đường tỉnh, đường huyện và các quốc lộ, “điểm nhấn” của Đắk Nông là đưa nội dung cao tốc vào trong nghị quyết. Đắk Nông đặt mục tiêu kiến nghị Trung ương đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành trước năm 2025 và đầu tư đoạn cao tốc còn lại theo quy hoạch.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh Đắk Nông đã chủ động làm việc với tỉnh Bình Phước về triển khai Dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Trên cơ sở kết quả làm việc, UBND 2 tỉnh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương triển khai thực hiện dự án. Chính phủ đã giao UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án này.
Cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) là dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Tây. Dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công kết hợp phương thức đối tác công tư (PPP) với tổng mức khoảng 25.540 tỷ đồng.
Dự án được giải phóng mặt bằng 1 lần theo quy mô 6 làn xe cao tốc đã quy hoạch. Trong giai đoạn 1, dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 24,75 m, tốc độ thiết kế 100-120 km/giờ. Theo tính toán sơ bộ, nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1.111 ha và ảnh hưởng khoảng 1.229 hộ dân.
Tháng 12/2023, Chính phủ đã trình gửi Quốc hội báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Cuối tháng 1/2024, đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã khảo sát thực địa và làm việc với 2 tỉnh tại Bình Phước.
Đoàn công tác đề nghị Bình Phước, Đắk Nông và các đơn vị tư vấn thiết kế bổ sung hoàn thiện hồ sơ bảo đảm chặt chẽ, khả thi, có tính thuyết phục cao để sớm trình Quốc hội xem xét, phê duyệt.
Theo Giám đốc Sở GTVT Đắk Nông Nguyễn Nhân Bản, cao tốc sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Đắk Nông đi Bình Phước về TP. Hồ Chí Minh.
Dự án tạo thuận lợi kết nối về sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai) và cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu). Không chỉ rút ngắn thời gian đi lại, cao tốc sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mở ra cơ hội thu hút đầu tư và bảo đảm quốc phòng - an ninh cho Đắk Nông và vùng lân cận.
Trong báo cáo kinh tế - xã hội 20 năm tái lập tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười, nhấn mạnh: Tuyến cao tốc Bắc Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) hiện đang được Trung ương xem xét chuẩn bị đầu tư. Cao tốc sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho Đắk Nông kết nối với trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Tây Nguyên.
Nội dung, ảnh: Lê Phước
Trình bày: NH