Đắk Nông tăng tốc chuyển đổi số
Chuyển đổi số ở Đắk Nông không còn là vấn đề của riêng một ngành, một lĩnh vực mà đã “đến từng ngõ, gõ từng nhà", tạo ra những chuyển biến rõ nét trên mọi lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội.
Chuyển đổi số ở Đắk Nông không còn là vấn đề của riêng một ngành, một địa phương mà đã “đến từng ngõ, gõ từng nhà", tạo ra những chuyển biến rõ nét trên mọi lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số, những năm gần đây, Đắk Nông đã tập trung nâng cao nhận thức số trong cộng đồng.
Để chuyển đổi số đạt hiệu quả, trước hết, nhận thức của mỗi người về vấn đề này phải đúng, trúng với phương châm “nhận thức đúng để hành động đúng”.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông năm 2023 và những năm tiếp theo.
Hàng năm, Đắk Nông duy trì thường xuyên việc tuyên truyền trên chuyên trang chuyển đổi số (kênh tuyên truyền của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh).
Mỗi năm, Cổng thông tin điện tử của tỉnh Đắk Nông bình quân có hơn 100 tin bài tuyên truyền về chuyển đổi số. Báo Đắk Nông duy trì có hiệu quả chuyên mục “Chuyển đổi số” trên báo in và báo điện tử với tần suất khoảng 350 lượt tin, bài, bản tin mỗi năm trên các sản phẩm báo chí của đơn vị.
Các bài viết đã phản ánh dưới nhiều góc độ, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trên toàn tỉnh. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tập trung các tin, bài phản ánh về xây dựng hệ thống chính quyền số. Trong đó, mỗi tháng thực hiện 4 tiểu mục “Chuyển đổi số” định kỳ.
Ngoài ra, 27/27 sở, ban, ngành, UBND các huyện, TP. Gia Nghĩa có trang thông tin điện tử có chuyên mục riêng về chuyển đổi số; 8/8 huyện, TP. Gia Nghĩa trên địa bàn tỉnh đã duy trì thực hiện chuyên mục, bản tin tuyên truyền cải cách hành chính - chuyển đổi số trên hệ thống truyền thanh cơ sở.
Bên cạnh đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, hàng năm, UBND tỉnh cũng đã ban hành các kế hoạch, chỉ tiêu, mục tiêu về chuyển đổi số để chỉ đạo thực hiện.
Các sở, ngành, tổ chức đoàn thể tổ chức các hội nghị, diễn đàn, cuộc thi chuyên đề về chuyển đổi số nhằm chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy lộ trình chuyển đổi số ở mỗi cán bộ, công chức, viên chức và đơn vị mình.
Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Nông đã hoàn thành việc thành lập 100% tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn với khoảng 4.078 thành viên là cán bộ tự quản và hội đoàn thể các thôn, tổ dân phố.
Đây chính là “cánh tay nối dài” của Đảng, Nhà nước trong tuyên truyền, vận động, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ngay từ cơ sở.
Để thực hiện thành công mục tiêu, kế hoạch về chuyển đổi số, nếu như nhận thức là nội dung trọng tâm, xuyên suốt thì phát triển hạ tầng và các nền tảng số được xem như điều kiện cần, tạo đòn bẩy cho lộ trình này.
Từ thực tế cho thấy, những năm gần đây, hạ tầng số trên địa bàn Đắk Nông đã được đầu tư theo hướng đồng bộ hóa cả phần cứng lẫn phần mềm.
Toàn tỉnh có 71 xã, phường, thị trấn đã được kết nối cáp quang đến trung tâm. Tỷ lệ dân số được phủ sóng di động theo công nghệ 4G đạt 99%.
Tỉnh đã triển khai thử nghiệm mạng di động 5G trên địa bàn TP. Gia Nghĩa. Tổng số thôn, bon, buôn, tổ dân phố được kết nối băng rộng cố định (cáp quang FTTH) đạt 585/624, đạt tỷ lệ 93,8%.
Số thuê bao băng rộng cáp quang (FTTH) là hộ gia đình: 103.184. Tỷ lệ hộ gia đình có băng rộng cố định là 59,52%; số thuê bao băng rộng cố định/100 dân là 15,84; số thuê bao băng rộng di động/100 dân là 84,88.
Hiện nay, thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý, tỉnh đã kết nối với 11/23 hệ thống tích hợp, cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia.
Trong đó có CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, CSDL quốc gia về bảo hiểm, CSDL về Văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến; hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch; hệ thống cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách; hệ thống thông tin quản lý danh mục điện tử dùng chung của các cơ quan Nhà nước phục vụ phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam, CSDL quốc gia về đất đai, hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến….
Các ứng dụng có dữ liệu dùng chung được kết nối, sử dụng qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 6/19 sở, ban, ngành đã triển khai và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh, với 10 hệ thống.
10 HỆ THỐNG DỮ LIỆU CHIA SẺ
1. Hệ thống quản lý di sản.
2. Hệ thống tích hợp phản ánh hiện trường.
3. Hệ thống tích hợp kinh tế - xã hội.
4. CSDL về đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh.
5. CSDL quản lý về các dự án đầu tư công.
6. Cổng dữ liệu y tế.
7. Cơ sở dữ liệu giáo dục.
8. CSDL về cán bộ công chức tỉnh.
9. Hệ thống tích hợp giải quyết thủ tục hành chính tỉnh.
10. Hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động tỉnh.
Đắk Nông cũng đã triển khai Hệ thống du lịch thông minh tỉnh thu hút khoảng gần 300.000 lượt truy cập. Hệ thống du lịch thông minh đã cung cấp được một số thông tin, hình ảnh quảng bá dịch vụ du lịch đến với du khách.
Hiện nay, hệ thống du lịch thông minh vẫn tiếp tục được mở và cho phép người dùng truy cập, tìm kiếm thông tin. Tỉnh đã và đang hoàn tất các thủ tục triển khai chính thức cơ sở dữ liệu ngành du lịch tỉnh Đắk Nông.
Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã tích hợp ứng dụng một cửa điện tử liên thông của tỉnh được triển khai cho toàn tỉnh bao gồm: 19/19 sở, ngành tập trung tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh; 8/8 UBND huyện, TP. Gia Nghĩa; 71/71 xã, phường, thị trấn; 352 các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, trực thuộc.
Tổng số TTHC của tỉnh là 2.034, trong đó số DVCTT toàn trình là 667, DVCTT một phần 1.367, tỷ lệ hồ sơ được tiếp nhận toàn trình là 28,05% (51.813/184.667 hồ sơ), tỷ lệ hồ sơ được xử lý toàn trình là 27,4% (50.635/184.667 hồ sơ).
Ngoài ra, Đắk Nông cũng đang vận hành hàng loạt hệ thống, nền tảng phục vụ công tác điều hành, quản lý nhiệm vụ để từng bước hoàn thiện chính quyền số theo lộ trình đề ra.
Ngoài đẩy mạnh xã hội số, chính quyền số, những năm gần đây, kinh tế số Đắk Nông đang đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo thống kê, toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 4.268 đơn vị áp dụng hóa đơn điện tử, đạt tỷ lệ 100%; trong đó có 2.910 doanh nghiệp, 427 tổ chức và 931 cá nhân.
Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp tại Đắk Nông nộp thuế điện tử đạt 100%, cho thấy sự quyết tâm của địa phương trong việc chuyển đổi số toàn diện.
Đắk Nông đã hỗ trợ đưa 1.161 sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, với tổng số giao dịch đạt 27.528 lượt. Đồng thời, 111.390 hộ sản xuất nông nghiệp đã được số hóa thông tin, tương đương 65,8% tổng số hộ và 135.711 hộ được đào tạo về kỹ năng số, đạt tỷ lệ 80,2%.
Số Qr-code được trang bị tại các điểm sản xuất, kinh doanh để phục vụ nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt cho khách hàng trong toàn tỉnh Đắk Nông tính đến đầu năm 2024 đạt 8.120 mã, tăng 4.681 mã so với đầu năm 2023.
Đến năm 2025, Đắk Nông sẽ triển khai hỗ trợ hộ đưa lên sàn thương mại điện tử 2.000 sản phẩm nông nghiệp, 100% sản phẩm OCOP. Tỷ lệ giao dịch hàng hóa Đắk Nông trên sàn thương mại điện tử tăng gấp 1,5 lần so với năm 2022.
Theo Đề án chuyển đổi số của tỉnh Đắk Nông đến năm 2030, địa phương sẽ phấn đấu trở thành tỉnh có mức độ chuyển đổi số trung bình khá trong cả nước, với một môi trường số an toàn, tiện ích và đồng bộ. Mục tiêu đề ra là đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số của tỉnh sẽ đạt từ 12-20%.
Một trong những mục tiêu quan trọng là chuẩn hóa và cập nhật 100% các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tập trung vào ba lĩnh vực chủ chốt: công nghiệp alumin và luyện nhôm, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao và du lịch.
Đắk Nông đang thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Tỉnh tổ chức các chương trình tập huấn, phổ biến kiến thức về các công nghệ số, các mô hình kinh tế số đổi mới sáng tạo. Cùng với đó là những chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp trong từng lĩnh vực đang thành công nhờ chuyển đổi số.
Chương trình xác định chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trong ngành, lĩnh vực, địa bàn sẽ được triển khai sâu rộng.
Đắk Nông sẽ có chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực đạt mức độ chuyển đổi số cao để hình thành các doanh nghiệp số.
Đối với việc phát triển doanh nghiệp công nghệ số cũng được tỉnh Đắk Nông ưu tiên, trong đó sẽ tập trung phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ứng dụng công nghệ số. Từ đó để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới dựa trên nền tảng dữ liệu số trong các ngành, lĩnh vực.
Đắk Nông sẽ nâng cấp, mở rộng sàn thương mại điện tử của tỉnh trên môi trường số theo chuỗi giá trị. Trong đó sẽ kết nối đầy đủ các chủ thể trong chuỗi cung ứng.
Thông qua các sàn thương mại điện tử, Đắk Nông sẽ ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm của hộ kinh doanh cá thể, hộ nông dân lên quảng bá trên môi trường mạng…
Đối với trụ cột kinh tế số, trong năm 2024, Đắk Nông đặt mục tiêu tăng tỷ trọng kinh tế số trong GRDP 0,2% so với năm 2023. Đắk Nông phấn đấu 100% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số.
Theo đánh giá, Đắk Nông đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện về chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, trước yêu cầu mới, lộ trình chuyển đổi số của Đắk Nông đang cần có những bứt phá nhanh hơn, mạnh hơn và toàn diện hơn nữa.
Nội dung: Đức Diệu
Trình bày, đồ họa: Việt Dũng
(ảnh tư liệu)