Đắk Nông tăng hàm lượng khoa học cho nông nghiệp
Từ năm 2018 đến nay, Sở KHCN tỉnh Đắk Nông đã thực hiện nhiều dự án chuyển giao KHCN vào sản xuất nông nghiệp. Các dự án đã ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân.
Năm 2018, Sở KHCN thực hiện Dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống, trồng thương phẩm và tiêu thụ gấc lai bền vững" tại HTX Nông lâm nghiệp Nam Hà (Cư Jút). Sở KHCN đã hỗ trợ HTX máy cấp đông, máy sấy lạnh và 15 ha cây giống gấc lai, sắt, cọc làm giàn gấc cho các hộ dân.
Ông Trần Văn Định, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết, giống gấc lai đưa vào sản xuất đã giúp các thành viên tăng sản lượng lên khoảng 20%, chất lượng cũng được nâng lên rất cao.
Từ khi được hỗ trợ, HTX nhận thấy sản lượng và chất lượng gấc lai có nhiều ưu điểm vượt trội so với loại gấc nếp. HTX đã nhân giống và trồng trên toàn bộ 200 ha gấc lại tại các hộ thành viên HTX.
Từ vùng nguyên liệu này, năm 2022, HTX đã xuất khẩu thô khoảng 60 tấn gấc khô sang thị trường Đài Loan. HTX cũng chế biến, bán ra thị trường khoảng 3 tạ dầu gấc; khoảng 20 tấn sản phẩm bún, phở gấc.
Tương tự, năm 2019, Sở KHCN đã triển khai Dự án ứng dụng kỹ thuật bón phân thông qua nước tưới cho 10 ha cà phê giai đoạn kinh doanh tại huyện Đắk Mil.
Sở KHCN đã tiến hành hỗ trợ kinh phí đường ống, thiết bị lắp đặt, hướng dẫn người dân vận hành hệ thống cung cấp bón phân qua nước tưới nhỏ giọt. Ưu điểm của mô hình là giúp người dân hạn chế được công lao động, tiết kiệm nước tưới vào mùa khô.
Cách bón phân thông qua nước tưới cho cà phê tại Đắk Mil đã tạo sức ảnh hưởng, lan tỏa mạnh mẽ việc đến người dân trồng cà phê trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để bảo vệ tốt hệ thống dây tưới, trong quá trình cắt cỏ, cào bồn, người trồng cà phê phải có biện pháp bảo vệ để tránh dây bị đứt, gãy.
Từ năm 2018 đến nay, Sở KHCN đã thực hiện 6 dự án thử nghiệm, chuyển giao KHCN vào sản xuất nông nghiệp trên nhiều loại cây trồng như cà phê, hồ tiêu, lúa, hoa, rau, quả...
Sở KHCN còn hướng dẫn thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho 33 đơn vị, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; xây dựng chỉ dẫn địa lý “Đắk Nông” cho sản phẩm hạt tiêu của tỉnh Đắk Nông.
Sở KHCN thực hiện 8 nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, phải kể đến việc ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống hồ tiêu sạch bệnh. Đơn vị đã ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô, tạo ra giống hồ tiêu sạch bệnh, thích ứng với điều kiện của địa phương.
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục triển khai trồng thử nghiệm nhằm xác định khả năng sinh trưởng, phát triển, chống chịu của cây hồ tiêu. Cùng với đó, Sở KHCN đề xuất quy trình trồng, chăm sóc cây hồ tiêu nuôi cấy mô ngoài nương rẫy.
Theo lãnh đạo Sở KHCN, từ nay đến năm 2025, đơn vị tiếp tục thực hiện các dự án, nhiệm vụ chuyển giao KHCN vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, Sở KHCN huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển, ứng dụng KHCN từ các doanh nghiệp; đầu tư xây dựng và phát triển KHCN cho nông nghiệp.
Sở KHCN chủ động hợp tác phát triển, ứng dụng KHCN với các viện nghiên cứu, trường đại học để tiếp cận các kỹ thuật tiên tiến mới và triển khai thực tế vào sản xuất.