Chính trị

Đắk Nông tăng cường thanh tra, kiểm tra lĩnh vực dễ phát sinh “tham nhũng vặt”

Hoàng Bảo 25/11/2024 06:00

Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án số 09-ĐA/TU ngày 8/9/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông, công tác đấu tranh phòng, chống “tham nhũng vặt” trong hệ thống chính trị tỉnh Đắk Nông có nhiều chuyển biến tích cực.

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo

Trên cơ sở Đề án số 09, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 18 ngày 21/7/2022 về tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC). Đắk Nông xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng tiêu cực (TNTC).

Trên cơ sở đó, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể quy trình xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra TNTC trong cơ quan, đơn vị, địa phương; thực hiện nghiêm Quy định số 15, ngày 19/4/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên chấn chỉnh trách nhiệm người đứng đầu trong công tác PCTN, TC.

Đắk Nông lấy kết quả PCTN, TC là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và xem xét, sử dụng, quy hoạch, điều chuyển, bổ nhiệm cán bộ.

dsc00690.jpg
Trong các cuộc họp định kỳ, một trong những nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông yêu cầu tập trung triển khai thực hiện quyết liệt hiệu quả là đấu tranh PCTN, TC

Trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, ngành đã thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhất là lĩnh vực có nguy cơ cao xảy ra TNTC như: mua sắm công; đầu tư xây dựng cơ bản; quy hoạch, quản lý, sử dụng đất; tài chính, ngân sách nhà nước; tư pháp; tổ chức cán bộ; thu, sử dụng các loại phí, lệ phí...

5 năm qua, các cấp, ngành đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành 59 nghị quyết liên quan đến quy định về định mức, tiêu chuẩn; UBND tỉnh ban hành 23 văn bản quy định định mức, chế độ. Toàn tỉnh có 14 đơn vị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới quy chế chi tiêu nội bộ và quản lý, sử dụng tài sản công.

Xử lý nghiêm trường hợp vi phạm

Để đấu tranh có hiệu quả với “tham nhũng vặt”, việc minh bạch tài sản, thu nhập nhằm kịp thời chấn chỉnh, răn đe, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm là rất quan trọng.

Từ năm 2020 - 2023, tỉnh Đắk Nông có 15.577 lượt người phải kê khai tài sản, thu nhập. Trong đó, 15.560 lượt người đã kê khai, 17 người chưa kê khai (do nghỉ bệnh, chuyển công tác…). 46/46 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã bàn giao bản kê khai tài sản, thu nhập về Thanh tra tỉnh; 56 trường hợp thực hiện kê khai tài sản, thu nhập phục vụ cho công tác cán bộ theo yêu cầu. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tiến hành xác minh tài sản, thu nhập của 59 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

Theo nội dung kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, Thanh tra tỉnh đã tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên 93 người có nghĩa vụ kê khai tại 20 cơ quan, đơn vị. Trong đó, đơn vị đã ban hành kết luận đối với 60 người tại 12 cơ quan, đơn vị. Qua xác minh, đề nghị kiểm điểm trách nhiệm theo quy định pháp luật về PCTN, TC đối với 20 người; yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong những năm tiếp theo đối với 35 người.

dsc02324.jpg
Các nghị quyết, chương trình trước khi trình HĐND tỉnh Đắk Nông thông qua tại các kỳ họp đều được các cơ quan, đơn vị tham mưu UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh xem xét, cho ý kiến

HĐND các cấp đã tổ chức các cuộc giám sát chuyên đề và nhiều đợt khảo sát liên quan đến công tác PCTN, TC, “tham nhũng vặt” tập trung vào các lĩnh vực quan trọng, nổi cộm, dễ gây phát sinh các hành vi tham nhũng. Từ đó, HĐND các cấp đề xuất, kiến nghị cụ thể để công tác PCTN, TC, “tham nhũng vặt” đạt được các mục tiêu đã đề ra.

MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên lồng ghép giám sát PCTN, TC, “tham nhũng vặt” trong các cuộc giám sát chuyên đề về việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu; nguồn đóng góp tự nguyện của Nhân dân; quản lý nhà nước về môi trường, đất đai, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; PCTN, TC…

Với tinh thần xử lý nghiêm, cơ quan cảnh sát điều tra hai cấp đã khởi tố, điều tra 18 vụ/22 bị can, trong đó đề nghị truy tố 17 vụ/21 bị can; tiếp tục điều tra 1 vụ/1 bị can; thu hồi trên 533 triệu đồng thiệt hại do “tham nhũng vặt”. Tòa án nhân dân hai cấp đã xét xử 19 vụ/22 bị cáo về tội “tham nhũng vặt”.

Tiếp tục triển khai đồng bộ

Theo đánh giá của Tỉnh ủy, qua 5 năm thực hiện Đề án số 09, công tác PCTN, TC và “tham nhũng vặt” trong hệ thống chính trị tỉnh luôn được Nhân dân đồng tình ủng hộ, dư luận đánh giá cao.

Tuy nhiên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền có lúc, có nơi chưa kịp thời, thiếu trọng tâm, mang tính hình thức. Công tác phối hợp giữa các ban, ngành, MTTQ, đoàn thể trong giám sát chưa được duy trì thường xuyên. Cơ chế phát hiện TNTC thông qua thanh tra, kiểm tra nội bộ của các cơ quan quản lý nhà nước còn thấp. Một bộ phận người dân, doanh nghiệp vẫn sẵn sàng “lót tay” cho cán bộ thực thi nhiệm vụ. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có nơi, có lúc chưa kịp thời…

dsc05064.jpg
Hội nghị Chuyên đề “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ và trách nhiệm thực thi công vụ, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức do Đảng ủy Khối Các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông tổ chức là một trong những cách để tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn cho cán bộ, đảng viên, người lao động

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác PCTN, TC và “tham nhũng vặt”, ngày 4/11/2024, đồng chí Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy ký ban hành Kết luận số 752 về Sơ kết 5 năm thực hiện Đề án số 09.

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Đề án số 09 gắn với việc các quy định, chỉ thị, kết luận chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác PCTN, TC. Đổi mới hình thức tuyên truyền để tổ chức, doanh nghiệp, Nhân dân hiểu và thực hiện đúng các quy định về thủ tục hành chính trong các lĩnh vực, không “tiếp tay” cho các hành vi “tham nhũng vặt”.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò, trách nhiệm và tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu trong đấu tranh PCTN, TC được chú trọng. Các cấp, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa TNTC; tăng cường kiểm tra nội bộ, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra TNTC; có biện pháp bảo vệ người tố cáo để khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia PCTN, TC. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc…

MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, Nhân dân và các cơ quan truyền thông tiếp tục phát huy vai trò trong tuyên truyền, phát hiện, đấu tranh với các hành vi TNTC, đặc biệt “nhũng nhiễu, vòi vĩnh” của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ.

Các cấp, ngành tăng cường thanh tra để phát hiện, phòng ngừa, xử lý kịp thời tình trạng “tham nhũng vặt” ở các cơ quan, đơn vị, địa phương, tập trung vào một số lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực như: đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng đất; quản lý, bảo vệ rừng; quản lý, sử dụng tài sản công, khai thác tài nguyên, khoáng sản...

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đắk Nông tăng cường thanh tra, kiểm tra lĩnh vực dễ phát sinh “tham nhũng vặt”
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO