Đắk Nông tăng cường quản lý vật tư nông nghiệp

Bài và ảnh: CHẤN HƯNG| 25/04/2024 00:24

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, tình trạng các loại vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng vẫn tái diễn bán ra thị trường gây thiệt hại đến năng suất, cây trồng của người sản xuất. Các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp quản lý, nhằm bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng.

Nông nghiệp Đắk Nông đóng vai trò trụ cột trong phát triển kinh tế, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm gần 40% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hằng năm, nông dân trên địa bàn sử dụng khoảng 2,6 triệu tấn phân bón các loại và khoảng hơn 500 tấn các loại thuốc bảo vệ thực vật, 1,5 triệu các loại cây giống, tương đương với số tiền sử dụng khoảng hơn 9.000 tỷ đồng/năm.

Việc chi phí vật tư đầu vào trong nông nghiệp rất lớn, nếu sử dụng phải các loại vật tư nông nghiệp giả hoặc kém chất lượng sẽ ảnh hưởng rất lớn và hệ lụy kéo dài nhiều năm, nhất là các loại giống cây trồng lâu năm. Do đó, công tác quản lý vật tư nông nghiệp đã được tỉnh Đắk Nông đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp quản lý chất lượng, bảo đảm lợi ích của nông dân và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, bên cạnh các loại hàng hóa vật tư nông nghiệp có thương hiệu, đạt chất lượng thì vẫn còn những loại vật tư nông nghiệp kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ do một số tiểu thương ham lợi nhuận, trà trộn buôn bán đánh lừa người tiêu dùng với các thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại cho người sản xuất và bức xúc trong xã hội, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng, giảm uy tín của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên một phần do hệ thống quản lý, văn bản quy phạm pháp luật chưa thống nhất, đồng bộ. Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý vật tư nông nghiệp chưa kịp thời, cụ thể và tính khả thi chưa cao. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đấu tranh phòng chống tội phạm và sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương chưa chủ động, thiếu quyết liệt, có nơi còn buông lỏng quản lý; chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để ngăn ngừa vi phạm. Công tác tuyên truyền mới tập trung phản ánh vi phạm, chưa chú trọng biểu dương, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chấp hành tốt, bảo đảm chất lượng; chưa phát huy được vai trò giám sát, phát hiện và tham gia tố giác vi phạm của các tổ chức, cộng đồng và người dân…

Với 6 ha cà-phê và hồ tiêu, hằng năm gia đình ông Mai Văn Quyền ở thôn Đắk Tâm, xã Đắk D’rô, huyện Krông Nô phải bón hơn 30 tấn phân hỗn hợp, phân nước và sử dụng một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật. Ông Quyền cho biết, trong sản xuất nông nghiệp quan trọng nhất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phải bảo đảm chất lượng như công bố của nhà sản xuất, sau đó mới đến quy trình chăm sóc vườn cây. Khi sử dụng nguồn vật tư nông nghiệp bảo đảm tiêu chuẩn sẽ giúp vườn cây xanh tốt, phát triển bền vững, người nông dân an toàn trong sản xuất, sản phẩm làm ra cũng bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Nếu nguồn vật tư nông nghiệp không bảo đảm, người nông dân mua phải phân bón kém chất lượng, thuốc bảo vệ thực vật giả sẽ tạo ra rất nhiều hệ lụy, nhất là đối với cây lâu năm, gây tổn thất nặng nề cho người sản xuất.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Nâm N’đir (huyện Krông Nô) Vũ Văn Phong cho biết, những năm qua, nông dân trên địa bàn có trường hợp sử dụng phân bón kém chất lượng, phân bón giả khiến cây trồng bị ngộ độc, suy kiệt, cháy khô. Hiện nay, người sản xuất hầu như lệ thuộc hoàn toàn vào các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp. Khi cây trồng bị bệnh, người dân đến các điểm bán vật tư nông nghiệp để mua thuốc, người bán thuốc bảo vệ thực vật chỉ ngồi tại nhà nhưng vẫn tư vấn cho nông dân sử dụng các loại thuốc, liều lượng, cách dùng… một cách cảm tính mà không hề xem bệnh trực tiếp, chưa kể một số đại lý, cửa hàng kinh doanh khi người đủ điều kiện bán hàng không có mặt còn để cho người nhà bán thuốc thay.

Trong khi đó, vườn cây sau khi phun thuốc, bón phân rồi mới biết tác dụng nên dẫn đến nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra, đối tượng chịu hậu quả vẫn là người sản xuất. Do vậy, người dân mong muốn cơ quan chức năng có những biện pháp mạnh để xử lý đối với các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng nhằm giúp nông dân yên tâm sử dụng vật tư nông nghiệp an toàn, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 3 nhà máy sản xuất phân bón đi vào hoạt động với công suất khoảng 137.500 tấn/năm, khoảng 20 nhà phân phối phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng. Hiện chưa có cơ sở sản xuất, sang chai, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và chưa có trung tâm sản xuất giống cây trồng, vật nuôi cho nên việc cung ứng vật tư nông nghiệp còn phụ thuộc các đơn vị ngoài tỉnh. Do đó, tỉnh chưa chủ động được nguồn cung tại chỗ, khiến giá bán cao hơn so với một số địa phương trong khu vực, tình trạng thiếu hụt vật tư nông nghiệp vẫn còn xảy ra cục bộ, nhất là vào thời điểm nhu cầu sử dụng của người dân tăng cao.

Năm 2023, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành kiểm tra tập trung vào những mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật như: Phân bón lá, phân bón vi lượng mới trên thị trường có nghi ngờ về chất lượng. Cụ thể, đơn vị đã thanh tra ngẫu nhiên 121 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả, trong 20 mẫu kiểm tra ngẫu nhiên có 6 mẫu không đạt chất lượng, trong đó, có 1 mẫu phân bón NPK và 1 mẫu phân bón lá kém chất lượng, đáng chú ý có 2 mẫu phân bón lá, 2 mẫu phân bón vi lượng giả. Đối với thuốc bảo vệ thực vật, đơn vị đã thanh tra 79 cơ sở, lấy 10 mẫu thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả phân tích có 2 mẫu không bảo đảm chất lượng, không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông đã ban hành 8 quyết định xử phạt các hành vi vi phạm hành chính với số tiền hơn 64 triệu đồng. Ngoài ra, năm 2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Nông cũng xử lý 3 trường hợp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật vi phạm về nhãn mác không đúng bản chất sự thật về hàng hóa và xử phạt 30 triệu đồng.

Cùng với đó, để phối hợp xử lý các cơ sở sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã ban hành các văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ… để phối hợp xử lý hành vi sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng của các cơ sở sản xuất đóng chân trên địa bàn.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ngô Xuân Đông cho biết, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã chủ động tham mưu cho tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, thực hiện tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp. Sở cũng thường xuyên tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra, thanh tra, kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm nên số vụ sử dụng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng đã giảm. Các cấp, ngành chuyên môn và địa phương luôn đẩy mạnh tuyên truyền khuyến cáo nông dân sử dụng vật tư nông nghiệp bảo đảm chất lượng có địa chỉ rõ ràng, cảnh giác với những sản phẩm giá rẻ, quảng cáo sai sự thật, những giống cây trồng mới chưa được công nhận. Từ đó, trình độ canh tác cũng như nhận thức của người dân về chất lượng vật tư nông nghiệp đã được nâng cao, công tác hướng dẫn, tuyên truyền được sâu rộng, kịp thời.

Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, yếu tố vật tư nông nghiệp đầu vào có ý nghĩa quan trọng, mang tính chất quyết định đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Xuất phát từ tình hình chuỗi sản xuất, cung ứng, sử dụng và công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp, Sở đã triển khai các biện pháp quản lý chặt chẽ để ngăn chặn các sản phẩm kém chất lượng, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Trong thời gian tới, Sở tiếp tục chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng siết chặt công tác quản lý vật tư nông nghiệp. Trong đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về sản xuất, kinh doanh, chất lượng vật tư nông nghiệp; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, qua đó giúp nâng cao nhận thức, kiến thức, pháp luật, hành động của người dân, cán bộ các cấp về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp.

Qua đó nhằm thay đổi nhận thức của cơ sở sản xuất, đơn vị kinh doanh và người sản xuất về vật tư nông nghiệp, góp phần bảo đảm an toàn cho sản xuất, bảo vệ môi trường, hướng sản phẩm nông nghiệp an toàn, sức khỏe của con người và các hoạt động sản xuất được bảo đảm.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/dak-nong-tang-cuong-quan-ly-vat-tu-nong-nghiep-post806362.html
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông tăng cường quản lý vật tư nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO