Đắk Nông tăng cường kỹ năng sống cho học sinh
Tăng cường kỹ năng cho học sinh trong trường học là một trong những nội dung quan trọng của chương trình đổi mới giáo dục. Các cơ sở giáo dục tại Đắk Nông đã linh hoạt, đa dạng lồng ghép giáo dục học sinh thông qua các tiết học, hoạt động ngoại khóa...
Giúp học sinh tự tin
Cùng với chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh, TP. Gia Nghĩa còn đẩy mạnh các hoạt động giáo dục kỹ năng cho học sinh.
Một trong những hình thức thu hút được học sinh tham gia để trau dồi kỹ năng là tham gia vào các câu lạc bộ (CLB) do nhà trường thành lập. Học sinh Nguyễn Trọng Đại, lớp 12 chuyên Vật lý, Phó Chủ nhiệm CLB Truyền thông sự kiện của trường chia sẻ: “CLB hiện có 70 thành viên, chủ yếu là học sinh lớp 10 và 11. CLB đảm nhận nhiều nhiệm vụ như: tuyên truyền tất cả các hoạt động của trường, thiết kế và lên kế hoạch các hoạt động ngoại khóa, trò chơi cho học sinh các khối lớp sau các kỳ thi…
"Trước đây, bản thân em rất nhút nhát. Qua tham gia CLB, em cảm thấy mình nhanh nhẹn, linh hoạt hơn, nhất là học được các kỹ năng về lập kế hoạch, sắp xếp công việc khoa học, phối hợp trong làm việc nhóm, quản lý thời gian, nhân sự…”, Nguyễn Trọng Đại tâm sự.
Theo Bí thư Đoàn trường Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh Hoàng Văn Hùng, với sứ mệnh giáo dục toàn diện, trường không chỉ chú trọng đến học tập mà còn khuyến khích học sinh tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa để phát triển các kỹ năng mềm như giao tiếp, lãnh đạo, làm việc nhóm và giải quyết vấn đề.
Hiện nay, trường đã thành lập được 14 CLB như: truyền thông sự kiện, tranh biện, sân khấu điện ảnh, âm nhạc, văn học, tình nguyện… Các CLB không chỉ tạo sân chơi giúp thỏa đam mê, giải tỏa căng thẳng cho học sinh sau các giờ học mà còn là môi trường để các em rèn luyện kỹ năng. Hoạt động của các CLB luân phiên và xen kẽ nên học sinh có những trải nghiệm thú vị.
Ngoài các CLB, hoạt động ngoại khóa, trường còn phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức tuyên truyền, cung cấp các kỹ năng liên quan đến an toàn giao thông, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sử dụng mạng xã hội an toàn… cho học sinh.
Ngoài ra, các hoạt động ngoại khóa về từ thiện giúp học sinh rèn luyện tính kỷ luật, tinh thần đoàn kết và trách nhiệm với cộng đồng. Những hoạt động này không chỉ mang lại niềm vui mà còn trang bị cho học sinh những kỹ năng sống cần thiết để tự tin bước vào môi trường đại học và cuộc sống sau này.
Đa dạng hình thức
Ở bậc mầm non, giáo dục kỹ năng sống chủ yếu tập trung vào việc hình thành các kỹ năng giao tiếp với cha mẹ, thầy cô và bạn bè cho trẻ. Qua đó, trẻ dần hình thành sự tự tin, hiểu biết cơ bản về cách xử lý tình huống trong giao tiếp hàng ngày. Các bài học về kỹ năng sống thường được lồng ghép trong các hoạt động vui chơi và sinh hoạt hàng ngày, giúp trẻ học mà không cảm thấy bị áp lực.
Đối với cấp tiểu học, THCS và THPT, giáo dục kỹ năng sống không chỉ dừng lại ở những bài học trong lớp học, mà còn được mở rộng qua các hoạt động ngoại khóa và sinh hoạt ngoài giờ lên lớp.
Tại Trường PTDTNT THCS - THPT Đắk Glong, huyện Đắk Glong do đặc thù học sinh ở nội trú nên giáo dục kỹ năng sống trở thành một phần không thể thiếu của nhà trường trong các hoạt động.
Tại trường, học sinh được tham gia các buổi sinh hoạt dưới cờ, trên lớp với chủ đề kỹ năng sống và các hoạt động ngoại khóa như tuyên truyền pháp luật, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội... Những kỹ năng như giao tiếp, ứng xử, bảo vệ sức khỏe, vệ sinh cá nhân và cộng đồng đều được giáo dục qua nhiều hình thức đa dạng.
Ngoài ra, Trường PTDTNT THCS - THPT Đắk Glong còn tổ chức nhiều CLB văn nghệ và thể thao, giúp học sinh vừa có cơ hội phát triển kỹ năng mềm vừa có môi trường an toàn và lành mạnh để rèn luyện thể chất. Các hoạt động này không chỉ làm phong phú thêm đời sống học đường mà còn góp phần xây dựng môi trường học tập thân thiện, giúp học sinh phát triển toàn diện về cả thể chất và tinh thần.
Tại huyện Đắk R'lấp, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống được triển khai đa dạng và phù hợp với từng cấp học. Giáo dục kỹ năng sống không chỉ giúp học sinh nâng cao kiến thức mà còn phát triển tư duy, cảm xúc, khả năng ứng xử xã hội. Ông Phan Văn Tấn, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đắk R’lấp thông tin: “Ngành Giáo dục huyện đang đẩy mạnh sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xây dựng các chương trình ngoại khóa đa dạng. Ngành tăng cường tập huấn kỹ năng mềm cho giáo viên. Kỹ năng sống được lồng ghép vào chương trình học chính khóa nhằm tạo ra sự cân bằng giữa việc học kiến thức và phát triển các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Việc sử dụng công nghệ và phương pháp giảng dạy linh hoạt là một trong những giải pháp mà ngành Giáo dục huyện áp dụng để nâng cao hiệu quả dạy, học kỹ năng sống, hướng đến mục tiêu giúp học sinh tự tin”.
Tăng cường phối hợp, đa dạng hoạt động
Hiện nay, Đắk Nông có 370 trường từ mầm non đến phổ thông, với tổng số 185.296 học sinh. Trong những năm qua, ngành Giáo dục không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Ngành áp dụng các phương pháp triển khai linh hoạt, phù hợp với từng cấp học. Ngành Giáo dục phối hợp với Đoàn thanh niên, công an, tư pháp, viện kiểm sát và tòa án, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh… tổ chức nhiều hoạt động như: thi an toàn giao thông, về bạo lực học đường, diễn tập phòng cháy chữa cháy, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên… Những hoạt động này giúp học sinh nâng cao nhận thức và phát triển kỹ năng sống, đồng thời trang bị những kiến thức quan trọng để vận dụng vào thực tiễn. "Mục tiêu của các chương trình này là giúp học sinh trang bị các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống và phát triển toàn diện", ông Lê Bá Cường, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Nông cho biết.
Thông qua các hoạt động giáo dục kỹ năng đa dạng, phong phú giúp học sinh được rèn luyện, phát triển toàn diện.
Năm học 2023-2024, tỷ lệ học sinh tiểu học tỉnh Đắk Nông hoàn thành tốt các môn học đạt trên 99%; trên 70% học sinh THCS và THPT xếp loại học lực khá trở lên, hạnh kiểm khá, tốt đạt trên 90%.
"Ngành Giáo dục tiếp tục đẩy mạnh phối hợp, hợp tác với các cơ quan liên quan để tổ chức thêm nhiều hoạt động giáo dục kỹ năng sống. Các chương trình đào tạo ngoại khóa được triển khai sâu rộng, chú trọng những kỹ năng ứng phó với các tình huống thực tế về phòng chống bạo lực, tự vệ, giải quyết các mâu thuẫn trong cuộc sống... Mục tiêu là trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, giúp các em phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần", ông Cường cho hay.