---- Kinh tế

Đắk Nông tái cơ cấu nông nghiệp bắt đầu từ lựa chọn cây trồng

Kim Ngân 06/09/2023 05:00

Sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đắk Nông đã có những bước tăng trưởng rõ rệt. Đây là kết quả của việc tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp.

dsc_0571-1-.jpg
Người dân xã Nâm Nung (Krông Nô) xây dựng Vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao

Theo Sở NN – PTNT, trong những năm qua, cơ cấu kinh tế nông nghiệp có sự chuyển dịch theo chiều hướng giảm. Nếu năm 2010, cơ cấu kinh tế của tỉnh chiếm 60% là nông nghiệp, đến năm 2023 chỉ còn 37,64%.

Dù giảm tỷ trọng, nhưng tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp của Đắk Nông lại tăng mạnh. Cụ thể, năm 2010, tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đạt hơn 10.000 tỷ đồng; đến năm 2022 đạt trên 15.000 tỷ đồng. Nông nghiệp giữ vai trò 1 trong 3 trụ cột kinh tế của tỉnh.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, tuy có bước phát triển khá, nhưng nhìn chung nông nghiệp Đắk Nông vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Một phần do người dân chưa tuân thủ theo định hướng, quy hoạch của ngành Nông nghiệp tỉnh.

Đa số người dân còn có tâm lý sản xuất theo phong trào, mở rộng diện tích ồ ạt theo giá thị trường, dẫn đến rủi ro cao. Do đó, tình trạng được mùa, mất giá và tiềm ẩn dịch bệnh bùng phát, gây thiệt hại nặng cho sản xuất.

Bên cạnh đó, với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, đầu ra sản phẩm nông nghiệp không ổn định. Tình trạng biến đổi khí hậu gia tăng đã gây nhiều bất lợi đối với sản xuất của người dân.

dsc_0592(1).jpg
Nông dân xã Quảng Sơn (Đắk Glong) chuyển đổi đất trồng cây lâu năm sang cây rau xanh đạt hiệu quả cao

Trước thực tế đó, ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông đã thực hiện các biện pháp phát triển cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng vùng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thu nhập cho nông dân.

Tại huyện Krông Nô đã có một số mô hình như: sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP; trồng rau an toàn; liên kết theo chuỗi giá trị cây đinh lăng; thâm canh lúa chất lượng cao ST24, ST25; tái canh cà phê....

Các mô hình này góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị canh tác trên đơn vị diện tích. Năm 2022, giá trị sản xuất/1 ha đất sản xuất của Krông Nô đạt xấp xỉ 90 triệu, đạt chỉ tiêu đề ra.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, buôn K62, xã Đắk D’rô (Krông Nô) có 13 ha trồng cà phê, tiêu, sầu riêng, quýt, bưởi… Theo ông Hoàng, điều kiện khí hậu, đất đai nơi đây phù hợp với nhiều loại cây trồng.

Tuy nhiên, ông chỉ chọn những loại cây phù hợp, theo hướng dẫn của ngành chuyên môn huyện. Nhờ vậy, cây trồng phát triển ổn định, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2022, gia đình ông thu trên 35 tấn hồ tiêu, hơn 20 tấn cà phê, trên 15 tấn sầu riêng. Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình ông thu về trên 3 tỷ đồng...

Những năm qua, ngành Nông nghiệp đã thực hiện tái cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển các sản phẩm chủ lực, quy mô lớn. Qua đó, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị.

dsc_0711(1).jpg
Cây khoai lang được huyện Tuy Đức đầu tư mạnh trong nhóm cây lấy bột

Ngành chuyên môn thực hiện giải pháp thay đổi căn bản từ khâu giống, sử dụng giống chất lượng cao, đẩy mạnh các biện pháp thâm canh, thực hành sản xuất tốt.

Theo Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh, Đắk Nông thực hiện chuyển đổi cây trồng theo hướng ưu tiên sản phẩm chủ lực, khai thác hợp lý điều kiện tự nhiên và hạ tầng nông nghiệp.

Tỉnh còn thực hiện quy hoạch, bố trí, phân vùng hợp lý đối với từng nhóm cây trồng như: cây lương thực, cây lấy bột, cây thực phẩm, cây công nghiệp dài ngày, cây ăn trái…

Qua đó, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, bảo đảm sản xuất theo hướng bền vững, thân thiện môi trường trong điều kiện biến đổi khí hậu.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đắk Nông tái cơ cấu nông nghiệp bắt đầu từ lựa chọn cây trồng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO