Kinh tế

Đắk Nông siết chặt quản lý mã vùng trồng

Hồng Thoan 29/08/2023 05:00

Ngành chức năng, các địa phương tỉnh Đắk Nông tăng cường triển khai các giải pháp nhằm quản lý tốt các vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã xuất khẩu nông sản.

Cảnh báo dư lượng hóa chất

Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) , Bộ NN-PTNT, cả nước đã có 6.883 mã số vùng trồng; 1.588 mã số cơ sở đóng gói nông sản.

Các mã số này tập trung chủ yếu vào các sản phẩm xuất khẩu chính như xoài, thanh long, nhãn, lúa, sầu riêng... Trung Quốc, Hoa Kỳ, Newzealand và Úc là những thị trường có số lượng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nhiều nhất. Đồng bằng sông Cửu Long dẫn đầu cả nước về số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Tuy nhiên, gần đây Cục Bảo vệ thực vật liên tục nhận được thông báo của nước nhập khẩu liên quan đến việc Việt Nam không tuân thủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật (KDTV).

Trong đó, nổi bật là các sản phẩm như chuối, xoài, sầu riêng, mít, thanh long, nhãn khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Sản phẩm có dư lượng hóa chất vượt quá quy định như sầu riêng, chôm chôm, ớt xuất khẩu sang Đức, Pháp, Tây Ban Nha hay ớt đông lạnh xuất khẩu sang Hàn Quốc cũng được cảnh báo.

dsc_0138_2-1-.jpg
Xoài là một trong những sản phẩm được cảnh báo không tuân thủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật

Các thông báo từ nước nhập khẩu cũng yêu cầu Việt Nam phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ các đối tượng KDTV và dư lượng hóa chất tồn dư trong nông sản của các lô hàng xuất khẩu.

Cục BVTV lo ngại tình trạng dư lượng hóa chất BVTV tồn dư trong các lô hàng xuất khẩu, không tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh sẽ gây thiệt hại lớn. Thiệt hại không chỉ xảy ra với doanh nghiệp, nông dân, HTX mà còn ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt.

Bộ NN-PTNN đề nghị, các địa phương đẩy mạnh các giải pháp về nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền; sự phối hợp liên ngành của các cơ quan hữu quan; vai trò của người sản xuất; đạo đức trách nhiệm kinh doanh của doanh nghiệp...

Từ đó, bảo đảm nông sản Việt Nam đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, hướng tới nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh.

Ghi nhận ở Đắk Nông

Trang trại Gia Trung, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) một trang trại chuyên sản xuất sầu riêng đã được cấp mã vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu từ năm 2022.

Ông Nguyễn Ngọc Trung, chủ trang trại cho biết, được cấp mã vùng trồng là một niềm vui của trang trại. Do đó, đơn vị tiếp tục tuân thủ tốt các quy trình về sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt VietGAP.

dsc_0494-1-.jpg
Sầu riêng trang trại Gia Trung (Gia Nghĩa) được chăm sóc theo quy trình VietGAP

Trong đó, ông sử dụng phân bón, thuốc BVTV trong danh mục cho phép; bảo đảm các khuyến cáo của nhà sản xuất về liều lượng, thời gian cách ly thuốc BVTV.

“Kinh nghiệm của tôi là sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên để phòng, chống các loại sâu bệnh trên cây, quả sầu riêng. Điều này không chỉ giúp nâng cao sức khỏe con người, tăng đề kháng cho vườn cây mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm”, ông Trung cho biết.

Tại xã Quảng Tân (Tuy Đức), HTX Nông nghiệp dịch vụ Tâm Hồng Phúc hiện có 20 ha sầu riêng, 20 ha chanh dây. Ông Vũ Đình Hạnh, Giám đốc HTX cho biết, HTX mới được cấp mã vùng trồng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Đây là một sự công nhận và là động lực mới để HTX tiếp tục theo đuổi sản xuất nông sản chất lượng cao. Bởi thực tế, các biện pháp canh tác bền vững đã được xã viên HTX chủ động áp dụng từ chục năm qua.

Cũng theo ông Hạnh, HTX làm tốt các hoạt động về nhật ký canh tác theo yêu cầu của nhà nhập khẩu. Cụ thể, nhà nông ghi chép đầy đủ thông tin về sinh vật gây hại; nhật ký bón phân, tổng lượng phân bón, phương pháp bón phân, sử dụng thuốc BVTV…

“Chúng tôi tiếp tục tìm hiểu, áp dụng sản xuất theo yêu cầu của nước nhập khẩu, nhất là về kiểm dịch thực vật, bảo đảm nông sản an toàn, chất lượng cao nhằm gây dựng thương hiệu, uy tín cho nông sản của tỉnh”, ông Hạnh nhấn mạnh.

Theo Sở NN-PTNT Đắk Nông, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, tỉnh Đắk Nông đạt được nhiều kết quả tích cực trong hoạt động cấp mã vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu.

Đây là kết quả của sự nỗ lực lớn từ chính các chủ thể sản xuất, nhất là sự đổi mới mạnh mẽ trong tư duy kinh tế nông nghiệp. Đến tháng 8/2023, tỉnh có 47 mã số, trong đó 37 mã vùng trồng, 10 mã cơ sở đóng gói.

Với vai trò của mình, lực lượng chuyên môn của Sở NN-PTNT thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hành các quy định của chủ mã vùng trồng, đóng gói.

Nhìn chung các chủ mã đều tuân thủ tốt. Tuy nhiên, đã có một mã vùng trồng bị Sở NN-PTNT đề nghị Cục BVTV thu hồi. Nguyên nhân là không duy trì các điều kiện theo yêu cầu của đối tác nhập khẩu.

ong-anh-bai-ma-vung-trong.png

Anh Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, việc có thêm các mã vùng trồng xuất khẩu là lợi thế lớn cho nông nghiệp, nông dân Đắk Nông. Nhưng ngành NN-PTNT không vì thế mà lơ là việc quản lý.

"Tăng cường quản lý mã vùng trồng, đóng gói là gây dựng thêm niềm tin, úy tín đối với các đối tác, khách hàng cho nông sản Đắk Nông", ông Phạm Tuấn Anh khẳng định.

Hướng tới 648 mã số vùng trồng

Ngày 24/8, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Kế hoạch Số 550 về triển khai cấp quản lý mã vùng trồng cho sản xuất nông nghiệp đến năm 2030.

Theo đó, Đắk Nông hướng đến mục tiêu: Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, tăng cường năng lực quản lý; kiểm tra, đánh giá, giám sát, kiểm soát chất lượng nông sản tại các vùng trồng, phục vụ truy xuất, nguồn gốc nông sản.

Tỉnh thiết lập mã số vùng trồng cho các loại cây trồng chủ lực, thế mạnh, tính cạnh tranh cao. Tỉnh nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, HTX sản xuất nông nghiệp trong việc tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

kh-mvt-30.gif
Ảnh: H.T

Cụ thể, Đắk Nông hướng đến một số mục tiêu chính gồm: Đến năm 2030, triển khai cấp khoảng 648 mã số cho các cây trồng chủ lực, thế mạnh của tỉnh và địa phương, với tổng diện tích trên 9.900 ha.

Trong đó, ưu tiên cấp 148 mã cho vùng sản xuất nông sản thuộc quy hoạch các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nguyên liệu với diện tích trên 7.400 ha.

dsc_0632(1).jpg
Đắk Nông sẽ cấp khoảng 8 mã vùng trồng cho 600 ha lúa

Ngoài ra, cấp khoảng 500 mã số vùng trồng cho các tổ chức, cá nhân đăng ký hồ sơ với diện tích khoảng 2.500 ha trên tất cả các loại cây trồng tại địa phương.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Đắk Nông siết chặt quản lý mã vùng trồng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO