Đắk Nông siết chặt quản lý khoáng sản
Tỉnh Đắk Nông đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để quản lý, bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên khoáng sản.
Ngày 27/8/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông thông qua Chương trình hành động số 24-CTr/T về quản lý, bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025. Trong đó, Đắk Nông định hướng chỉ đạo các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
Thực hiện Chương trình hành động số 24, đến nay chính quyền địa phương các cấp đã thực sự vào cuộc đồng bộ trong việc triển khai các giải pháp ngăn chặn khai thác khoáng sản trái phép. UBND các huyện, TP. Gia Nghĩa đã tổ chức rà soát tình hình khai thác khoáng sản trái phép ở các địa phương. Qua đó, đã kịp thời phát hiện và xử lý các điểm khai thác khoáng sản trái phép.
Từ năm 2022 đến nay, tình trạng khai thác đá trái phép diễn ra ở nhiều địa bàn như: Đắk Mil, Đắk R’lấp, Cư Jút, Tuy Đức… Vi phạm chủ yếu là không có giấy phép khai thác, lợi dụng cải tạo đất để khai thác, khai thác không đúng giấy phép được cấp…
Những vụ việc vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản không chỉ gây thất thoát về tài nguyên, ngân sách cho tỉnh mà còn gây mất an ninh trật tự, bức xúc trong Nhân dân. Chính vì vậy mà lực lượng chức năng tỉnh, nhất là Thanh tra Sở TN - MT và Công an tỉnh đã đấu tranh quyết liệt với tội phạm này.
Từ năm 2022 đến nay, riêng lực lượng Công an tỉnh Đắk Nông đã phát hiện, triệt phá 39 vụ, với 13 tổ chức, 42 cá nhân vi phạm trên lĩnh vực khoáng sản; thu giữ trên 488m3 đá bazan, 56 tấn đá caxedon, 3.800 viên đá chẻ, 150m3 cát; 5 vụ, với 5 tổ chức vi phạm quy định về khu vực khai thác khoáng sản đã cắm mốc.
Lực lượng công an đã khởi tố 1 vụ, 1 bị can về hành vi khai thác khoáng sản trái phép; xử lý hành chính 31 vụ, 31 đối tượng, phạt gần 200 triệu đồng; tham mưu chính quyền các cấp xử lý hành chính 6 vụ, 10 đối tượng, phạt trên 379 triệu đồng, buộc nộp lại số tiền thu bất hợp pháp....
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật về khoáng sản vẫn còn nhiều. Phổ biến nhất là việc san lấp mặt bằng các công trình, quá trình canh tác, người dân phát hiện có khoáng sản và tự ý khai thác, tiêu thụ. Nhiều đối tượng lợi dụng cấp phép, thăm dò để khai thác khoáng sản trái phép...
Trong khi đó, địa hình các khu vực diễn ra khai thác khoáng sản trái phép hầu hết ở vùng sâu, vùng xa, đường đi lại hiểm trở, dẫn đến khó khăn trong công tác rà soát, ngăn chặn khai thác khoáng sản trái phép.
Để công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên lĩnh vực này đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật về khoáng sản.
Trong đó, lực lượng công an chú trọng công tác phòng ngừa, tham mưu, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền cơ sở làm tốt công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản.
Công an tỉnh cũng yêu cầu các doanh nghiệp ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về khoáng sản; tăng cường đấu tranh, trấn áp mạnh mẽ, quyết liệt với các loại tội phạm nói chung, tội phạm và vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản nói riêng .