Đắk Nông sẽ thành lập tổ kiểm tra tiến độ và chất lượng các dự án
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười yêu cầu các chủ đầu tư quyết tâm, quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công.
“Còn 3 tháng nữa là hết năm 2024, với vai trò, trách nhiệm của mình, các chủ đầu tư phải quyết liệt và quyết liệt. Ban Cán sự UBND tỉnh sẽ thành lập tổ đi kiểm tra tiến độ và chất lượng các công trình”, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười chỉ đạo tại hội nghị Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia vào sáng 27/9.
Tại hội nghị, các chủ đầu tư tập trung báo cáo tiến độ, khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia.
Liên quan đến chương trình nông thôn mới, Giám đốc Sở NN-PTNT Phạm Tuấn Anh cho biết, nguồn vốn thực hiện 3 chương trình đến nay giải ngân 574/976 tỷ đồng, đạt 58,9%.
“Khó khăn nhất trong xây dựng nông thôn mới vẫn là nguồn vốn đối ứng. Tổng nguồn đối ứng trong 3 năm là 427 tỷ đồng, nhưng hiện còn thiếu 45 tỷ đồng các địa phương chưa chuyển qua. Thiếu nguồn vốn đối ứng, ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân vốn”, ông Phạm Tuấn Anh cho biết.
Về chương trình Phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Phó Trưởng Ban Dân tộc Nguyễn Ngọc Thạch cho hay, có tổng 190/370 tỷ đồng thuộc 3 nguồn không thể giải ngân được gồm: nguồn vốn bảo vệ phát triển rừng, nguồn vốn đào tạo nghề, nguồn vốn phát triển dân tộc còn khó khăn đặc thù.
“Có 3 huyện đang giải ngân thấp, với tỷ lệ mới đạt 29-32%, gồm: Đắk Glong, Đắk R’lấp, Gia Nghĩa. Chúng tôi đề xuất những huyện không giải ngân hết chuyển qua cho các địa phương có tiến độ giải ngân tốt như: Krông Nô, Đắk Mil, Tuy Đức”, ông Thạch đề xuất.
Liên quan đến chuyển nguồn, Giám đốc Sở KH-ĐT Trần Đình Ninh cho rằng, các chủ đầu tư quyết tâm giải ngân hết nguồn vốn năm 2022 và 2023. Còn lại nguồn vốn của năm 2024 có thể chuyển tiếp sang năm 2025.
“Trường hợp chuyển nguồn cũng rất khó. Vì chưa chắc chuyển nguồn đã có công trình đợi sẵn để có thể giải ngân trong năm 2024. Cho nên các huyện rà soát hết các công trình đã hoàn thành. Các sở, ngành quyết toán nhanh để tạo điều kiện cho các huyện giải ngân hết”, ông Ninh nhấn mạnh.
Về các chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Chiến yêu cầu các chủ đầu tư phải quyết liệt, quyết tâm làm.
“Khó chỗ nào, chúng ta báo cáo để gỡ chỗ đó. Dự án nào hoàn thiện hồ sơ rồi, chúng ta nhất quyết bắt tay vào làm. Các sở đầu mối cân đối, bố trí cho các huyện đúng, đủ yêu cầu các địa phương đề xuất. Các địa phương chủ động, linh hoạt bắt tay ngay vào thực hiện”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Chiến chỉ đạo.
Kết luận tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười khẳng định, giải ngân vốn đầu tư công nói chung, 3 chương trình mục tiêu quốc gia nói riêng đạt thấp chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan.
Kết quả đạt thấp cho thấy sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương còn bất cập. Trong khi, tất cả các vấn đề trong đầu tư công, giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia, UBND tỉnh đã chỉ đạo hết rồi.
“Các chủ đầu tư rà soát lại, cái nào thẩm quyền của huyện, tỉnh phải quyết tâm làm. Dự án nào vượt thẩm quyền, không làm được, chủ đầu tư báo cáo UBND tỉnh kịp thời để đề xuất trả lại. Tránh tình trạng cuối năm “nước đến chân rồi mới nhảy”, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười chỉ đạo.
Tính đến ngày 11/9, vốn đầu tư công đã giải ngân được 1.234 tỷ đồng, đạt 37% kế hoạch tỉnh giao. Trong đó, riêng giải ngân 3 chương trình mục tiêu quốc gia 1.555 tỷ đồng, đạt 50,7 %. Đến nay, Đắk Nông có 14 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân đạt trên mức trung bình của cả tỉnh, 16 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả tỉnh.