Kinh tế

Đắk Nông sản xuất trái cây an toàn để xuất khẩu

Lê Dung 05/04/2023 05:00

Nhiều thị trường trên thế giới hiện đã mở cửa nhập khẩu trái cây của Việt Nam. Nắm bắt cơ hội này, Đắk Nông đang từng bước sản xuất trái cây theo hướng an toàn, liên kết theo chuỗi giá trị để xuất khẩu.

ADQuảng cáo

Phát triển các chuỗi giá trị an toàn

Theo đánh giá của Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT), trong 5 năm qua, ba loại cây bơ, xoài, sầu riêng của Đắk Nông đã đạt được hiệu quả kinh tế rõ nét.

Diện tích ba loại cây này ở Đắk Nông đã tăng lên từ 3-4 lần so với trước. Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 6.139 ha sầu riêng; 3.151 ha bơ và 1.805 ha xoài.

img_0650(1).jpg
Xoài, bơ, sầu riêng đang chiếm gần 1,6% tổng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp 

Ngành sản xuất bơ, xoài, sầu riêng của tỉnh đang thu hút gần 12% số hộ nông nghiệp tham gia; giải quyết gần 10% số lao động trong nông nghiệp.

Hiện nay, tỷ lệ diện tích cho trái của ba loại cây chỉ chiếm dưới 55%. Nếu 100% diện tích 3 loại cây này cho thu trái, Đắk Nông có thể đạt giá trị sản xuất 2.000 tỷ đồng/năm. Con số này chiếm khoảng 3% tổng giá trị sản xuất toàn ngành Nông nghiệp của tỉnh.

Theo TS. Lê Đức Thông, Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, hiện có 3 vấn đề chính đang đặt ra đối với ngành sản xuất ba loại cây này của Đắk Nông.

Trong đó, sản xuất còn quảng canh, thiếu các quy trình chuẩn để có thể kiểm soát tốt hơn năng suất và dịch bệnh. Trong khi đó, Đắk Nông hiện chưa có nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi an toàn, có chứng chỉ để có thể hướng tới xuất khẩu, nâng cao giá trị sản xuất…

Do đó, việc phát triển các chuỗi giá trị an toàn trong sản xuất cây ăn trái là một yêu cầu cấp bách, nhất là đối với xoài, bơ và sầu riêng của Đắk Nông…

Tập trung các giải pháp

Nhằm khắc phục tình trạng này, Sở KH&CN đã phối hợp triển khai Đề tài “Điều tra, đánh giá và xây dựng mô hình sản xuất xoài, bơ, sầu riêng an toàn theo chuỗi giá trị hướng tới xuất khẩu”.

Theo đó, Đề tài đã xây dựng thí điểm 3 mô hình sản xuất xoài, bơ, sầu riêng an toàn theo chuỗi, với tổng diện tích 41,2 ha. Đề tài đã tạo được 1 phần mềm quản lý sản xuất xoài, bơ, sầu riêng an toàn theo mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu.

img_0157(1).jpg
Tuân thủ quy trình sản xuất an toàn giúp sản phẩm cây ăn trái thuận lợi khi ra thị trường

Ngoài ra, tại các mô hình, Đề tài đã tổ chức tập huấn kiến thức về sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, GlobalGAP cho xoài, bơ, sầu riêng cho những người trực tiếp tham gia.

Sau tập huấn, các học viên có thể thực hành thành thạo các thao tác sử dụng phần mềm sổ ghi chép điện tử quản lý mã vùng trồng…

Đề tài đề xuất nhiều giải pháp giúp tỉnh phát triển các chuỗi giá trị xoài, bơ, sầu riêng an toàn hướng tới xuất khẩu. Trong đó, các chuyên gia khuyến nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ xin cấp mã cho các vùng trồng cây ăn trái được nhận định có đủ tiêu chuẩn.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Đắk Nông cần có sự nhập cuộc quyết liệt hơn trong việc điều chỉnh chiến lược, ban hành chính sách mới. Từ đó nhằm khắc phục những hạn chế trong chuỗi giá trị của xoài, bơ, sầu riêng, nhất là vấn đề thông tin thị trường và tiêu thụ.

Về phía doanh nghiệp, HTX, cơ sở bảo quản, chế biến, Đề tài cho rằng, cần đẩy mạnh liên kết trong tiêu thụ, đổi mới phát triển công nghệ.

Các doanh nghiệp cần nâng cao trình độ quản lý và năng lực tiếp cận thông tin thị trường ngành hàng trái cây. Từ đó có sự đầu tư công nghệ phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Các hộ trồng cần tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, cung cấp sản phẩm đạt chất lượng và tham gia vào chuỗi tiêu thụ của doanh nghiệp, HTX. Qua đó giúp ổn định giá bán và sản xuất bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông sản xuất trái cây an toàn để xuất khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO