Giáo dục - Đào tạo

Đắk Nông sẵn sàng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Nguyễn Hiền 06/08/2024 07:40

Cùng với cả nước, năm học 2024-2025, Đắk Nông triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 (GDPT 2018) đối với các khối lớp cuối cùng là lớp 5, 9 và 12 theo lộ trình.

Sẵn sàng triển khai

Theo bà Trịnh Thị Hồng, Hiệu Phó Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, xã Kiến Thành, huyện Đắk R’lấp, năm học 2024-2025 trường có trên 110 học sinh lớp 5. Trên cơ sở kinh nghiệm triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với các khối lớp từ lớp 1 đến lớp 4, trường đã có sự chủ động hơn về mọi mặt để triển khai đối với khối lớp 5, năm học 2024-2025.

Những năm trước đây, Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm một trong những đơn vị thí điểm dạy học theo Chương trình Vnen của tỉnh nên giáo viên kế thừa, tiếp cận nhanh hơn về phương pháp, cách soạn giáo án của chương trình GDPT 2018 vì hai chương trình này có nhiều điểm tương đồng nhau. Đối với giáo viên các trường khác để triển khai hiệu quả sẽ mất nhiều thời gian hơn để đầu tư nghiên cứu soạn giáo án, tài liệu để dạy theo Chương trình GDPT 2018.

Đối với giáo viên dạy chương trình lớp 5, từ năm học 2023-2024 được trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp, nắm rõ cấu trúc sách giáo khoa mới nên năm học 2024-2025 những giáo viên này trực tiếp giảng dạy cũng không quá bỡ ngỡ. "Một trong những điểm lưu ý đối với giáo viên khi triển khai chương trình GDPT mới ở khối lớp 5 là phải tự chủ, linh động trong việc phân bổ số tiết/bài học sao cho phù hợp với học sinh nhưng vẫn bảo đảm số tiết/năm theo quy định. Ngoài ra, Sở GD-ĐT thường xuyên cập nhật văn bản hướng dẫn, tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên nên trường chủ động sẵn sàng triển khai chương trình GDPT mới lớp 5, đồng thời nâng cao chất lượng triển khai ở các khối lớp 1 đến lớp 4", bà Trịnh Thị Hồng chia sẻ kinh nghiệm.

img_9124.jpg
Đội ngũ giáo viên các khối lớp đều được tập huấn nắm vững 9 mô đun của Chương trình GDPT 2018

Năm học 2024-2025, huyện Đắk Glong có khoảng 11.049 học sinh bậc tiểu học, trong đó lớp 5 có 2.059 học sinh. Bà Đinh Thị Hằng, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đắk Glong thông tin: “Đến nay, các bước chuẩn bị để triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với học sinh khối lớp 5 được huyện thực hiện xong. Tuy nhiên, do số lượng học sinh đông nên khó khăn lớn nhất của địa phương vẫn là tình trạng thiếu giáo viên. Một số trường thiếu cơ sở vật chất. Huyện đã xây dựng kế hoạch, các phương án khắc phục như dồn lớp; tổ chức dạy kê, dạy gác…

Tăng cường tập huấn cho giáo viên

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, xã Đắk R'la, huyện Đắk Mil cho hay, trên cơ sở hướng dẫn năm học 2024-2025, nội dung, cấu trúc, phương thức thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của Bộ, Sở GD-ĐT, trường đã xây dựng kế hoạch, định hướng phương pháp dạy học, ôn tập phù hợp cho giáo viên.

Trường đã tổ chức cho học sinh lớp 12 chọn, đăng ký bộ sách giáo khoa để học theo Chương trình GDPT 2018. Giáo viên dạy lớp 12 đã được tập huấn đầy đủ 9 modul dạy học theo quy định. Khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn tài liệu tham khảo, ngân hàng đề ôn luyện theo chương trình mới của lớp 12 còn hạn chế. Mặt khác, các trang thiết bị phục vụ giảng dạy được trang bị đầy đủ nhưng do được đầu tư từ lâu năm nên đang dần bị xuống cấp. Trường đã rà soát, báo cáo Sở GD-ĐT để có định hướng sửa chữa, bổ sung phù hợp với yêu cầu dạy học năm học 2024-2025.

img_2625.jpg
Để đáp ứng nhu cầu, hiện nay các Nhà sách cũng đã có đầy đủ các bộ sách giáo khoa của khối lớp 5, 9 và 12

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, rút kinh nghiệm từ những năm trước, việc chuẩn bị cho triển khai dạy các khối lớp 5,9 và 12 năm học 2024-2025, theo Chương trình GDPT 2018 tương đối thuận lợi. Hiện nay, Sở GD-ĐT đã tổ chức tập huấn bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến để cán bộ, giáo viên nắm chắc cấu trúc, nội dung chương trình mới. 9 modul được xem là cốt lõi của Chương trình GDPT 2018 sở đã hướng dẫn, yêu cầu các trường, giáo viên nắm chắc để có kế hoạch và triển khai dạy, học bám sát trọng tâm theo yêu cầu, mục đích đặt ra. Các modul cụ thể gồm: hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT 2018; sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học/THCS/THPT; kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học/THCS/THPT theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực; xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học/THCS/THPT; tư vấn và hỗ trợ học sinh tiểu học/THCS/THPT trong hoạt động giáo dục và dạy học; xây dựng văn hóa nhà trường tiểu học/THCS/THPT; thực hiện và xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường ở trường tiểu học/THCS/THPT; phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh tiểu học/THCS/THPT; ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học và giáo dục học sinh tiểu học/THCS/THPT.

Tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông cho biết, năm học 2024-2025 là năm học cuốn chiếu triển khai Chương trình GDPT 2018 cho tất cả các khối, lớp. Đây cũng là năm có nhiều thay đổi phương thức thi tốt nghiệp cả về số lượng môn thi và hình thức thi. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục Trung học năm học 2024-2025. Trên tinh thần đó, Sở GD-ĐT triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng Chương trình GDPT 2018 đối với tất cả các khối lớp. Trong đó, ngành Giáo dục tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện triển khai đối với lớp 9, lớp 12 và chuẩn bị tổ chức đánh giá tổng kết việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 giai đoạn 2020-2025.

Sở đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng phân phối chương trình các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp phù hợp với tình hình thực tế để phát huy hiệu quả năng lực đội ngũ giáo viên của nhà trường. Sở hướng dẫn các cơ sở giáo dục có giải pháp thực hiện chương trình các môn ngoại ngữ theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 đối với những học sinh chưa được học ngoại ngữ theo Chương trình GDPT 2018.

"Sở GD-ĐT tập trung thực hiện công tác phát triển mạng lưới trường, lớp; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS; phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục bảo đảm chất lượng. Ngoài ra, các phòng chuyên môn chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên ở các bậc học", ông Phan Thanh Hải cho hay.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Đắk Nông sẵn sàng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO