Nghị quyết và cuộc sống

Đắk Nông quan tâm, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc

Hoàng Hoài 05/07/2023 06:38

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn coi công tác dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu, có tính chiến lược xuyên suốt. Thực hiện chủ trương này, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh Đắk Nông đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, từng bước xây dựng mối quan hệ gắn bó, đoàn kết giữa các dân tộc anh em.

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là hoạt động được thực hiện thường xuyên. Dù còn nhiều khó khăn, song Đắk Nông đã quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp 7 trung tâm y tế tuyến huyện, thành phố và mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

dsc03733(1).jpg
Sự quan tâm của các cấp, ngành, cuộc sống của người DTTS ở xã Đắk Nia bình yên, ấm no hơn.

Hệ thống các trạm y tế xã cũng được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Các cơ sở y tế đã bảo đảm cơ bản nhiệm vụ khám, chữa bệnh theo phân tuyến và từng bước phát triển dịch vụ kỹ thuật cao nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho đồng bào.

Bác sĩ Nguyễn Đăng Trung, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk Mil cho biết: “Bệnh nhân đến khám tại Trung tâm Y tế huyện chủ yếu là người nghèo, DTTS. Do đó, đơn vị luôn chú trọng chính sách an sinh xã hội, luôn tạo điều kiện tốt nhất để người bệnh an tâm điều trị. Những bệnh nhân là người DTTS không hiểu rõ tiếng Việt, bác sĩ khi thăm, khám chữa bệnh đều tận tình giải thích chậm rãi, cặn kẽ đến khi hiểu mới thôi”.

dsc03842(1).jpg
Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Đắk Mil luôn tận tình, giải thích cặn kẽ cho bệnh nhân, nhất là DTTS.

Ông Y Kênh, xã Thuận An (Đắk Mil) cho biết: “Vợ tôi bị bệnh rối loạn tiền đình không may bị té ngã lúc đêm khuya. Khi được đưa đến bệnh viện, các y, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Đắk Mil đã tận tình cứu chữa nên nay đã ổn hơn rất nhiều. Ở bệnh viện, chúng tôi còn được bếp ăn từ thiện hỗ trợ cháo, cơm đủ 3 bữa một ngày, nên yên tâm để chữa bệnh”.

Chị H’Ka ở xã Đắk Sắk (Đắk Mil) chia sẻ: “Nhờ có thẻ BHYT, người dân chúng tôi được hưởng các quyền lợi như giảm các chi phí khi đi khám, chữa bệnh. Vào đây nằm viện điều trị, tôi được các bác sĩ chăm sóc rất tận tình, niềm nở”.

Tính đến 31/3/2023, toàn tỉnh đã cấp 56.934 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho đồng bào DTTS giúp bà con có thêm điều kiện tiếp cận với dịch vụ y tế, giảm chi phí khám chữa bệnh. Việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cũng ngày càng thuận tiện hơn. Bà con đồng bào DTTS ngày càng tin tưởng vào chất lượng khám, chữa bệnh của đội ngũ y, bác sĩ địa phương. Năm 2022 và quý 1/2023, toàn tỉnh có trên 100.000 lượt bệnh nhân là người DTTS đã khám, chữa bệnh bằng BHYT.

Chú trọng giảm nghèo trong đồng bào DTTS

Không chỉ chăm sóc sức khỏe, tỉnh Đắk Nông còn ban hành nhiều chương trình, nghị quyết, kế hoạch cụ thể với những mục tiêu, bước đi phù hợp. Trong đó, công tác giảm nghèo vùng DTTS, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc; giảm dần vùng đặc biệt khó khăn để đưa Đắk Nông phát triển toàn diện luôn được ưu tiên hàng đầu.

dsc03727(1).jpg
Ông K'Wơn thường xuyên vận động bà con DTTS nâng cao cảnh giác với thế lực thù địch, tin tưởng vào Đảng, chính quyền.

Là người uy tín của xã Đắk Nia (Gia Nghĩa), ông K’Wơn khẳng định, Đảng và Nhà nước, tỉnh luôn đặc biệt quan tâm đến sự phát triển kinh tế, đời sống văn hóa, giữ gìn bản sắc của đồng bào DTTS. Đồng bào Mạ ở xã Đắk Nia luôn ơn Đảng, bởi Đảng đã lãnh đạo toàn dân hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, nước nhà thống nhất, khắp các bon làng, phố thị cuộc sống ngày càng khởi sắc.

“Bon làng chúng tôi được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều về điện, đường, trường, trạm, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế, xây dựng nhà ở... Vì vậy, chúng tôi luôn vận động bà con tuyệt đối tin tưởng vào Đảng, chính quyền, cảnh giác trước âm mưu xúi giục, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc để giữ gìn cuộc sống ấm no, hạnh phúc như hiện nay”.

Ông K’Wơn, người uy tín xã Đắk Nia, T.P Gia Nghĩa

Theo ông Ngô Ngọc Khanh, Chủ tịch UBND xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa, thời gian qua, địa phương luôn phát huy hiệu quả các nguồn lực nhằm hỗ trợ người dân, nhất là đồng bào DTTS trong phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững. Hiện xã đang tập trung vào 3 chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ bà con đồng bào DTTS tiếp cận các nguồn vốn vay phát triển kinh tế, chính sách an sinh xã hội, đa sinh kế giảm nghèo; phát triển du lịch cộng đồng... Nhiều bà con DTTS đã nâng cao thu nhập từ nghề truyền thống như thổ cẩm, làm rượu cần...

Bổ sung các chính sách giảm nghèo trên địa bàn, HĐND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Nghị quyết số 11 năm 2022 Quy định một số chính sách thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023 - 2025.

Trong đó, về giáo dục, tỉnh sẽ hỗ trợ 150.000 đồng/tháng cho mỗi học sinh là người DTTS thuộc hộ cận nghèo từ mẫu giáo đến THPT, giáo dục thường xuyên để mua sách vở và đồ dùng học tập. Ngoài ra, học sinh, sinh viên là thành viên của hộ thoát nghèo trong giai đoạn này cũng được hỗ trợ mức 100 -150 nghìn đồng/người/tháng.

Về nhà ở, tỉnh sẽ hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn làm nhà trong giai đoạn 2023 - 2025. Riêng các gia đình cư trú tại các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc hộ neo đơn, tàn tật, đồng bào DTTS sẽ được hỗ trợ thêm 10 triệu đồng.

Nghị quyết số 23 của HĐND tỉnh năm 2022 cũng đã phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh là 2.394 tỷ. Trong đó, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là 1.136 tỷ đồng. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 502 tỷ đồng. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 755 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, các địa phương đã và đang triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống người dân vùng khó khăn, nhất là đồng bào DTTS.

Với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đến nay, công tác giảm nghèo của tỉnh đã đạt được kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19,26% năm 2015 xuống còn 7,97% vào năm 2022, trong đó, hộ nghèo DTTS giảm 8,55%; DTTS tại chỗ giảm 8,45%.

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, tỉnh Đắk Nông luôn quan tâm xây dựng và phát triển văn hóa địa phương. Toàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Đó là nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thổ cẩm, lễ hội, cồng chiêng, nhạc cụ dân gian, sử thi, dân ca và nghề thủ công truyền thống, dệt thổ cẩm; khôi phục được gần 50 lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS tại chỗ.

“Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến đời sống đồng bào người Mạ chúng tôi. Nhà tôi được hỗ trợ làm nhà, vay vốn làm kinh tế, con cái được hỗ trợ học hành... Chúng tôi còn được hỗ trợ để giữ gìn các lễ hội, nghề truyền thống. Bon chúng tôi đang được đầu tư để phát triển du lịch cộng đồng nên ai cũng phấn khởi. So với trước đây, chúng tôi đã có cuộc sống ổn định”.

Nghệ nhân H’Yiêng, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa

Việc thực hiện hiệu quả công tác dân tộc đã góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh qua gần 20 năm tái lập. Đây cũng là động lực, niềm tin để đồng bào DTTS đồng sức, đồng lòng phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới. Qua đó, góp phần khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý thức tự lực, tự cường, thi đua lao động sản xuất, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố lòng tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước.

Đọc tiếp
    Nổi bật
        Mới nhất
        Đắk Nông quan tâm, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO