Nông nghiệp - Nông thôn

Đắk Nông quan tâm tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số

Bảo Ngọc-Hồ Mai 05/05/2023 05:00

Thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội năm 2022-2023 về “Tăng cường triển khai công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và an sinh xã hội”, Đắk Nông đã, đang đạt được kết quả khả quan trong việc tạo việc làm cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh.

Quan tâm đào tạo và định hướng nghề khu vực nông thôn

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, năm 2022, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho 5.776 người, đạt 144% kế hoạch (5.776/4.000 người). Trong đó đào tạo nghề cho người DTTS khoảng trên 2.000 người. Số lao động được tạo việc làm gần 21.000 lượt người, đạt hơn 116% so với kế hoạch năm (chủ yếu là làm việc trong nước).

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tư vấn về chính sách pháp luật lao động, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động và tuyên truyền hỗ trợ định hướng nghề nghiệp cho 5.864 lượt người (trong đó có khoảng 1.000 lượt lao động là người DTTS). Số lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (xuất khẩu lao động) là 445 người, đạt 222,5% kế hoạch năm, chiếm 222% so với cùng kỳ năm 2021; chủ yếu tại thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc.

221455img_1788(1).jpg
Các lớp học nghề gồm chăn nuôi – thú y; trồng trọt – bảo vệ thực vật; dệt thổ cẩm; sửa chữa máy nông nghiệp;... thu hút nhiều học viên người DTTS tham gia

Trong năm 2022, từ nguồn vốn hỗ trợ cho vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, nguồn ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã xét duyệt cho vay 4.458 dự án, với số tiền gần 206 tỷ đồng; qua đó tạo việc làm cho hàng ngàn lao động. Số lượng dự án được duyệt vay vốn chủ yếu là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS.

221454img_0175(1).jpg
Nhiều học sinh DTTS có sự chuyển hướng lựa chọn học nghề theo nhu cầu thị trường việc làm

Quý I năm 2023, toàn tỉnh có 6.656 lượt lao động được tạo việc làm, đạt gần 37% so với kế hoạch; chủ yếu là tạo việc làm trong nước, chỉ có 73 người làm việc ở nước ngoài. Nguồn vốn hỗ trợ cho vay tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm đã xét duyệt hỗ trợ hơn 3 tỷ đồng, với 69 dự án, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, chủ yếu là khu vực nông thôn. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động giữa các ngành, các thành phần kinh tế từ nông-lâm nghiệp sang dần công nghiệp-xây dựng và thương mại-dịch vụ.

Thực tế cho thấy, nhiệm vụ đào tạo nghề và giải quyết việc làm của tỉnh thời gian qua đã cho thấy hiệu quả thiết thực. Theo đánh giá, khảo sát chất lượng, hiệu quả đào tạo lao động được nâng cao. Nhiều lao động khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào DTTS sau khi được đào tạo nghề, có việc làm đã tăng thêm thu nhập, chăm lo ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế gia đình. Người học nghề đã tiếp cận, áp dụng những kiến thức được học về khoa học kỹ thuật mới, tiên tiến vào quá trình sản xuất, qua đó đã giảm được chi phí, tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.

Đặc biệt, qua đào tạo nghề, người lao động đã ghép, chiết, lai tạo được những giống cây trồng, vật nuôi có giá trị, năng suất để nuôi trồng. Học viên các lớp nghề nấu ăn, sửa chữa máy nông nghiệp, điện dân dụng, may công nghiệp được các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các doanh nghiệp, hợp tác xã ... trong và ngoài tỉnh ký cam kết nhận làm việc theo mùa vụ hoặc lâu dài.

Nghệ nhân H’Nir (SN 1956), dân tộc Mạ ở xã Quảng Khê (Đắk Glong) cho hay, chủ trương đào tạo nghề cho đồng bào DTTS của tỉnh trong thời gian qua rất thiết thực và hiệu quả, nhất là đối với việc truyền dạy các nghề truyền thống. Đặc biệt, riêng huyện Đắk Glong đã linh hoạt lồng ghép, triển khai chương trình dạy nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Mạ, M’nông cho gần 50 chị em dân tộc Mông ở Làng Du lịch văn hóa cộng đồng thôn 3, xã Đắk Som (Đắk Glong). Điều này không những giúp chị em ở đây có thêm nghề, thu nhập mà còn góp phần giữ gìn, phát huy nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Mạ, M’nông.

z4315601604897_ba97e3544fea8d07722116ed3fcc87a6(2).jpg
Nghệ nhân H’Nir (bên trái) truyền dạy nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Mạ cho phụ nữ đồng bào Mông ở xã Đắk Som (Đắk Glong)

Tăng cường tạo việc làm và nguồn vốn phát triển kinh tế

Năm 2023, Đắk Nông phấn đấu tạo việc làm 18.200 lượt người, trong đó xuất khẩu lao động là 200 người; đào tạo nghề cho 4.000 người, riêng đồng bào DTTS chiếm khoảng 30%. Toàn tỉnh tập trung phát triển kinh tế xã hội để tạo thêm nhiều việc làm mới. Công tác xuất khẩu lao động khu vực nông thôn được đẩy mạnh và xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của các cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành.

221458img_7841(1).jpg

Tỉnh chú trọng phát triển nguồn nhân lực theo hướng chuyên sâu, hiện đại đáp ứng với yêu cầu của thị trường lao động, gắn với định hướng và nhu cầu phát triển kinh tế. Trong đó, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm đáp ứng nhu cầu xã hội và doanh nghiệp nhằm bảo đảm lao động tìm kiếm việc làm ổn định. Chính quyền các cấp, ngành chức năng tích cực vận động các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh về các địa phương tuyển dụng lao động và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; chú trọng lao động ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Các phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm và lưu động tại các huyện, thành phố được tổ chức thường xuyên và có hiệu quả...

221503tt(2).jpg
Huyện Đắk Glong tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp, việc làm, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho người dân

Ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh & Xã hội tỉnh Đắk Nông cho biết: Bên cạnh sự nỗ lực triển khai các chủ trương, chính sách và tham mưu của sở về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm thì các cấp ủy đảng, chính quyền, các hội, tổ chức đoàn thể cần tăng cường sự chỉ đạo đối với nhiệm vụ này, nhất là công tác xuất khẩu lao động cho đối tượng là nông dân, đồng bào DTTS.

Sở tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường và tập trung thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi 2021-2030. Qua đó, nâng cao số lượng lao động là nông dân, đồng bào DTTS được đào tạo nghề, tạo thêm việc làm, thu nhập chính trên quê hương mình sinh sống. Đồng thời, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, ổn định kinh tế, xã hội cũng như bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

Ngoài ra, trong năm 2023 và những năm tiếp theo, sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ưu tiên bổ sung thêm nguồn vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho vay giải quyết việc làm, giảm nghèo. Trong đó, chú trọng triển khai có hiệu quả hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm để hỗ trợ cho người thất nghiệp, thiếu việc làm, tự tạo việc làm, các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ phát triển sản xuất nhằm tạo thêm việc làm mới cho người lao động...

Đọc tiếp
x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Đắk Nông quan tâm tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO