Thương mại - Dịch vụ

Đắk Nông quan tâm phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch công viên địa chất

Hải Băng 10/12/2023 10:20

Phát triển nguồn nhân lực cho ngành Du lịch được Đắk Nông quan tâm, chú trọng để hiện thực hóa một trong ba khâu đột phá liên quan đến du lịch do Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XII xác định.

Đào tạo nghề gắn với phát triển du lịch

Ngày 26/7/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Chương trình số 18-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII về phát triển du lịch và du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông, giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 881/KH-UBND để triển khai thực hiện chương trình.

hd(1).jpg
Hướng dẫn viên giới thiệu về một số sản phẩm đặc trưng của các dân tộc bản địa tại Đắk Nông với các nhà khoa học, du khách

Các địa phương, đơn vị liên quan đã chủ động, linh hoạt trong việc đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với đặc thù của mình trong phát triển du lịch. Một trong những giải pháp được thực hiện đầu tiên là triển khai tổ chức hỗ trợ đào tạo nghề bảo đảm mục tiêu phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, nhất là các ngành nghề có liên quan, tạo ra các sản phẩm đặc trưng phục vụ phát triển du lịch gắn với CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Trong đó, các địa phương tập trung vào dệt thổ cẩm, may trang phục truyền thống của các dân tộc; nông nghiệp gắn với giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm OCOP trong sản xuất nông nghiệp…

Năm 2021, toàn tỉnh tổ chức được 2 lớp đào tạo dệt thổ cẩm tại 2 xã Quảng Khê và Quảng Hòa, huyện Đắk Glong; 1 lớp cắt may trên sản phẩm dệt thổ cẩm tại xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa. Năm 2022, Đắk Nông tổ chức lớp tập huấn truyền dạy kỹ năng làm nghề dệt thổ cẩm và trang phục truyền thống cho 26 nghệ nhân là người dân tộc thiểu số.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đã rà soát, tổ chức liên kết, đào tạo ngành nghề liên quan đến du lịch, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề du lịch cho các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông tổ chức mở, tuyển sinh 2 lớp đào tạo trình độ trung cấp về hướng dẫn viên du lịch và quản trị khách sạn…

Việc tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức về du lịch, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông được Đắk Nông chú trọng. Riêng để phục vụ Hội nghị quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20 (năm 2022) được tổ chức tại Đắk Nông, địa phương tổ chức 2 lớp tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên của CVĐC và giáo viên tiếng Anh; 2 lớp về hướng dẫn hoạt động du lịch cộng đồng cho người dân tại huyện Krông Nô, Cư Jút; 1 lớp tập huấn về nghiệp vụ lễ tân, đón tiếp khách cho người lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh du lịch trong toàn tỉnh tại TP. Gia Nghĩa.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch

hd1(1).jpg
Giải quyết được bài toán nguồn nhân lực sẽ góp phần đáng kể vào sự phát triển của du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Theo đánh giá, nguồn nhân lực phục vụ du lịch của tỉnh hiện nay còn hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu về trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng mềm trong phục vụ khách. Số lao động có chuyên môn nghiệp vụ về du lịch còn thấp. Số lao động trong các cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng thường xuyên thay đổi cũng là một cản trở lớn đối với sự phát triển của ngành Du lịch Đắk Nông. Hiện nay, hướng dẫn viên của tỉnh chỉ có 7 người có bằng cấp, trong đó 3 hướng dẫn viên nội địa, 3 quốc tế và 1 tại điểm cố định.

Theo ông Lê Ngọc Quang, Giám đốc Sở VHTT-DL Đắk Nông, để giải quyết bài toán về nguồn nhân lực cho ngành Du lịch, Sở đã xây dựng và tham mưu trình UBND tỉnh xem xét, ban hành Kế hoạch Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2023 -2027. Mục tiêu là nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, chuyên nghiệp hóa và năng lực cạnh tranh của ngành du lịch.

Theo đó, nguồn nhân lực du lịch của tỉnh được xây dựng theo hướng có quy mô, cơ cấu, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Từ đó, hình thành lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng, kỹ thuật ngày càng cao. Đối tượng đào tạo phong phú từ chuyên nghiệp đến cộng tác viên, học sinh, sinh viên, người dân. Hình thức đào tạo, bồi dưỡng theo hướng đa dạng hóa. Trong đó, tỉnh sẽ ký kết hợp đồng với các trường chuyên đào tạo về du lịch có uy tín; mời các giảng viên, chuyên gia trực tiếp về đào tạo.

Bên cạnh đó, Đắk Nông khuyến khích đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngành Du lịch bằng việc tạo lập mối quan hệ tương trợ giữa Nhà nước - nhà trường - nhà kinh doanh và người học. Cùng với tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác, liên kết để phát triển nhân lực, doanh nghiệp cũng phải nâng cao trách nhiệm trong việc tự đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch.

Ngành chức năng chủ động phối hợp liên kết với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch và tăng cường quan hệ giao lưu, trao đổi và hợp tác với các tỉnh trong khu vực và cả nước trong công tác đào tạo, sử dụng nhân lực ngành du lịch.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đắk Nông quan tâm phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch công viên địa chất
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO