Đắk Nông "phủ sóng" tối đa nguồn vốn cho hộ nghèo
Đắk Nông thực hiện nhiều giải pháp để thêm nhiều hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn ưu đãi của Nhà nước.
Sáng 13/10, Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh Đắk Nông tổ chức phiên họp thường kỳ quý IV năm 2023 để đánh giá tình hình triển khai các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Chiến chủ trì phiên họp.
Trong 9 tháng đầu năm, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn đạt nhiều kết quả. Chi nhánh NHCSXH tỉnh tập trung quyết liệt giải ngân các nguồn vốn được giao. Chất lượng hoạt động giao dịch xã từng bước nâng cao. Việc phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể trong uỷ thác nguồn vốn được thực hiện chặt chẽ.
Hệ thống tổ Tiết kiệm và vay vốn thường xuyên được củng cố, kiện toàn. Quá trình thu nợ đến hạn được chú trọng. Chất lượng tín dụng từng bước được nâng cao.
Tuy nhiên, việc tham mưu, phối hợp với các ban, ngành, chính quyền địa phương trong rà soát, phê duyệt danh sách các đối tượng thụ hưởng chính sách còn chậm. Nguồn vốn uỷ thác từ ngân sách địa phương qua NHCSXH chưa bảo đảm. Chất lượng hoạt động tín dụng giữa các đơn vị cấp huyện, cấp xã chưa đồng đều.
Đến 30/9/2023, tổng dư nợ cho vay tại Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông đạt 4.011 tỷ đồng, tăng 9,9% so với thời điểm đầu năm 2023. Toàn tỉnh có 70.477 hộ vay được tiếp cận nguồn vốn, chiếm 42% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,13% dư nợ. Toàn tỉnh có 1.589 tổ Tiết kiệm và vay vốn, với tỷ lệ tổ hoạt động khá, tốt 99,37%. Hoạt động các điểm giao dịch xã được bảo đảm.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Chiến nhấn mạnh, các địa phương phối hợp với NHCSXH tỉnh tập trung hoàn thành các chỉ tiêu năm nay, nhất là cho vay hộ nghèo, cận nghèo, làm nhà ở. Hộ nào đủ điều kiện cứ giải quyết dứt điểm hộ đó. Riêng những hộ không đủ điều kiện sẽ tìm cách lồng ghép các chương trình, dự án khác.
“Chúng ta phủ sóng tối đa nguồn vốn cho các hộ nghèo. Các địa phương có cách làm để hộ vay sử dụng vốn hiệu quả. Mục tiêu cuối cùng là giảm nghèo, giảm tái nghèo”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Chiến nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chỉ đạo thêm, về nguồn vốn uỷ thác, các địa phương sắp xếp, ưu tiên hoàn thành nguồn vốn trong năm 202. Đến 30/11, những địa phương nào thực sự khó khăn quá, tỉnh sẽ xem xét. Về phía Sở Tài chính chủ động cân đối nguồn thu, ưu tiên thêm nguồn vốn uỷ thác qua NHCSXH để bổ sung công tác cho vay.
Đối với các đơn vị nhận uỷ thác phát huy vai trò, cùng vào cuộc với NHCSXH “cầm tay chỉ việc”, giúp người dân sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Ngành LĐTB&XH chú trọng đánh giá, thẩm định đối tượng vay vốn tại cơ sở chính xác, khách quan, nhất là hộ nghèo.
“Nguồn lực cho công tác giảm nghèo có hạn. Càng nhiều hộ nghèo, nguồn lực cho các hộ sẽ giảm xuống. Ngược lại, càng ít hộ nghèo, nguồn lực từng hộ tăng lên. Thời gian giảm nghèo hàng năm vì thế giảm xuống rất nhiều”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Chiến khẳng định.