Đắk Nông phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi trong mùa khô
Ngành chức năng, các địa phương Đắk Nông đẩy mạnh các hoạt động nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, bảo đảm chăn nuôi phát triển.
Năm 2023, Đắk Nông có đàn heo mức 530.000 con, đạt 106% so với kế hoạch, tăng 79.200 con so với năm 2022, đàn bò ước đạt 27.500 con, đạt 94,8% so với kế hoạch, đàn trâu 3.100 con, đạt 103% so với kế hoạch, đàn dê 47.000 con, đạt 94% so với kế hoạch.
Tổng đàn gia cầm của tỉnh là 2,8 triệu con, đạt 100% so với kế hoạch, tăng 400.000 con so với năm 2022.
Trong năm 2023, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm xuất hiện ở mức nhỏ lẻ, không lây lan ra diện rộng, không có địa phương nào phải công bố dịch.
Tuy nhiên, dịch tả heo châu Phi xảy ra ở 6/8 huyện, thành phố trong tỉnh. Đã có 465 con heo tương đương 9.435 kg của 21 hộ dân bị tiêu hủy.
Tuy không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng nhưng công tác phòng, ngừa dịch bệnh của ngành Nông nghiệp chưa bảo đảm. Thiệt hại do dịch tả heo châu Phi gây ra cho bà con, nhất là đối với các hộ dân là đáng kể, bà con gặp khó khăn trong khôi phục chăn nuôi trở lại.
Cùng với đó, trong bối cảnh hiện nay, các nguy cơ về dịch bệnh như lở mồm long móng, viêm da nổi cục, heo tai xanh, dịch tả heo châu Phi luôn tiềm ẩn.
Do đó, Sở NN-PTNT phải chủ động hơn trong triển khai các giải pháp. Sở cần tham mưu, đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ vắc xin phòng chống dịch tả heo châu Phi. Đây được coi là một trong những cách hiệu quả nhất để phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT Đắk Nông cho biết, ngành chức năng đang siết chặt các hoạt động kiểm soát mầm bệnh trên động vật. Cụ thể như triển khai tiêm các loại vắc xin phòng các bệnh thông thường, điều tra, lấy mẫu phân tích, theo dõi phát hiện bệnh định kỳ, chuẩn bị vật tư, hóa chất…
Hiện nay, bộ phận chuyên môn của Chi cục Phát triển Nông nghiệp tỉnh, thú y các huyện, các xã thường xuyên lấy mẫu giám sát sự lưu hành vi rút. Cùng với đó, lực lượng thú y tuyên truyền, kiểm tra các hộ nuôi về vệ sinh dịch tễ, vệ sinh chuồng trại, bảo đảm con giống sạch bệnh, kiểm soát giết mổ.
Các lực lượng liên quan phối hợp chủ động giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã có dịch xuất hiện, khu vực nguy cơ cao để sớm phát hiện, cảnh báo và xử lý dứt điểm, hiệu quả khi dịch bệnh mới phát hiện.
Sở tăng cường phối hợp với UBND các huyện, thành phố giám sát tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định.
Các trạm kiểm dịch động, thực vật nội địa tăng cường kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm từ động vật ra, vào địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Theo chị Hoàng Minh Nguyệt, thôn 6, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong (Đắk Nông), gia đình đang tích cực chăm sóc đàn gà gần 1.000 con. Theo chị Nguyệt, giá cả vật tư đầu vào, con giống đã có phần hạ nhiệt, nên chị quyết định đầu tư chăn nuôi gà thịt trở lại.
Để bảo đảm chăn nuôi an toàn, chị tái đàn ở mức độ vừa phải. Trong đó, chị chú ý hàng đầu về yếu tố an toàn dịch bệnh cho đàn gà.
Gia đình chị mua con giống có địa chỉ rõ ràng, có chứng nhận của cơ quan chức năng. Chị cho gà ăn, uống sạch sẽ, đầy đủ các chất dinh dưỡng; phòng, chống các bệnh thông thường cho gà bằng các loại vắc xin, vitamin…
Ông Hoàng Văn Mười, thôn 6, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, gia đình duy trì nuôi từ 10-20 con heo thịt mỗi lứa. Ông chú ý tiêm vắc xin đầy đủ cho đàn heo, cho ăn đầy đủ khẩu phần, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, định kỳ khử trùng bằng vôi bột để loại bỏ các mầm bệnh do môi trường.
Năm 2024, Sở NN-PTNT đưa ra các chỉ tiêu phấn đấu chính của lĩnh vực chăn nuôi đều tăng so với năm 2023. Một số chỉ tiêu cụ thể gồm: đàn heo 540.000 con, đàn bò 28.000 con, đàn dê 52.000 con, đàn trâu 3.100 con, đàn gia cầm 3 triệu con...