Đắk Nông phổ biến, quán triệt các văn bản pháp luật mới ban hành
Sáng 24/2, Sở Tư pháp, cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt các văn bản pháp luật mới ban hành.
Thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL, báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; cán bộ làm công tác pháp chế các sở, ban, ngành; đại diện phòng tư pháp cấp huyện dự hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghiên cứu, quán triệt các nội dung văn bản về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 và Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022. Đây là những luật được Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026 thông qua tại Kỳ họp lần thứ 4.
Theo đó, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 gồm 6 chương, 56 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023 thay thế Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 tập trung vào 3 nội dung chính bao gồm: các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình; khuyến khích, xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Luật Phòng, chống rửa tiền 2022, gồm 4 chương 66 điều, giảm 1 chương và tăng 16 điều so với Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2023. Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 đã khắc phục hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền. Luật bảo đảm sự độc lập, tự chủ về kinh tế, an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia, góp phần tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tài trợ khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong thời gian tới.