Kinh tế

Đắk Nông phát triển chanh dây theo hướng bền vững

Kim Ngân 23/03/2023 05:00

Hiện nay, nhiều hộ trồng chanh dây trên địa bàn tỉnh đã tập trung canh tác theo hướng hữu cơ, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Những năm qua, diện tích chanh dây tại các địa phương trong tỉnh giảm mạnh. Nguyên nhân do đầu ra không ổn định, thị trường tiêu thụ chanh dây chưa mở rộng.

fdghg-1-.jpg
Các nhà vườn tập trung sản xuất chanh dây sạch

Một số thị trường mới mở lượng tiêu thụ chanh dây rất hạn chế, chất lượng đòi hỏi nghiêm ngặt. Do đó, việc sản xuất chanh dây đại trà của người dân không thể đáp ứng được yêu cầu.

Trước thực tế đó, các tổ chức, hộ nông dân trong tỉnh đã tập trung sản xuất chanh dây theo hướng nâng cao chất lượng, tập trung vào thị trường khó tính, nhất là châu Âu.

Năm 2022, gia đình ông Nguyễn Ngọc Hiếu, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) trồng 4 sào chanh dây. Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, ông Hiếu đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc vườn cây.

Ngoài áp dụng công nghệ tưới nước tiên tiến, tiết kiệm, kết hợp bón phân cho chanh dây, ông còn chú trọng quản lý sâu bệnh bằng các loại thuốc trừ sâu sinh học.

Nhờ vậy, vườn chanh dây phát triển tốt, ít ảnh hưởng của bệnh hại. Vụ thu hoạch này, gia đình ông Hiếu ước thu được 6 tấn quả chanh dây chất lượng cao.

chanh-day-va-sau-rieng-dak-r-moan.00_04_09_09.still004-1-.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) áp dụng kỹ thuật để trồng chanh dây theo hướng hữu cơ.

Qua kết quả kiểm định, chất lượng, mẫu mã chanh dây của ông Hiếu được cải thiện rõ rệt. Sản phẩm của ông đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu.

Ông Hiếu cho biết: “Chanh dây đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu. Ngoài quy trình chăm sóc nghiêm ngặt, khâu thu hoạch cũng không kém phần quan trọng. Tỷ lệ trái phải đạt từ 10 - 12 quả/kg, dịch chanh đặc, mẫu mã sản phẩm đẹp, độ chín đồng đều mới thu hoạch”.

Theo ông Hiếu, để đáp ứng những điều trên, hiện không khó đối với bà con nông dân. Tuy nhiên, cái bà con cần là phải có định hướng từ đầu. Các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết cần phải đặt hàng để người dân tuân thủ quy trình sản xuất chanh dây sạch.

Còn gia đình Nguyễn Minh Vương, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa), cũng trồng 3 sào chanh dây theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Ông Vương cho biết: “Hiện nay, nhu cầu của thị trường về sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng cao. Vì vậy, người trồng chanh dây phải tự thay đổi cách làm”.

Theo ông Vương, điều quan trọng là người sản xuất phải chọn được giống chất lượng, bón phân cân đối và phải quản lý được sâu bệnh gây hại. Với hướng đi này, vườn chanh dây của ông Vương đạt tỷ lệ từ 10 - 12 quả/kg.

img-4029-1-1-.jpg
Cơ sở sơ chế chanh dây tại xã Quảng Tâm (Tuy Đức)

Sản phẩm chanh dây của ông Vương được đơn vị thu mua đánh giá cao, bán với giá 40.000 đồng/kg. Mức giá này nếu được duy trì cũng mang lại nguồn thu nhập lớn cho người trồng chanh dây.

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có trên 700 ha chanh dây. Tuy nhiên, hiện hay mới chỉ có 3 tổ chức, cá nhân được chứng nhận sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương, với tổng diện tích 15,5 ha.

Số nhà vườn đang duy trì sản xuất chứng nhận VietGAP là 10,5 ha/2 cơ sở; diện tích chứng nhận hữu cơ là 5 ha/1 cơ sở. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chanh dây với 41 hộ dân, quy mô 110 ha, sản lượng ước đạt 2.200 tấn/năm.

Để cây chanh dây mang lại hiệu quả, bền vững, ngoài quy hoạch vùng trồng, ngành Nông nghiệp Đắk Nông đang tập trung quản lý tốt nguồn giống.

Ngành Nông nghiệp phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm hình thành các chuỗi liên kết sản xuất từ giống, đầu vào đến bao tiêu đầu ra cho chanh dây. 

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Đắk Nông phát triển chanh dây theo hướng bền vững
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO