Kinh tế

Đắk Nông phát triển cao su theo chuỗi giá trị

Trần Thoan 05/03/2024 07:00

Cao su là một trong bốn cây trồng chủ lực của Đắk Nông và đang được tỉnh phát triển theo chuỗi giá trị, ngành hàng bền vững.

Gia đình bà Phạm Thị Hiền, thôn 1, xã Đắk Sin, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) hiện có 1ha cao su. Theo bà Hiền, tuy giá mủ cao su những năm gần đây không như kỳ vọng, nhưng bà vẫn kiên trì chăm sóc vườn cây. Bởi vì, đây là cây trồng cho thu hoạch trong thời gian dài, từ 15-20 năm, ít phải đầu tư.

Bà chú ý kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, nên vẫn có mức thu nhập khá đều đặn từ việc bán mủ cao su tươi. Đầu năm nay, giá mủ cao su đã có chiều hướng tăng lên, nên gia đình rất vui.

Theo Phòng NN - PTNT huyện Đắk R’lấp, cây cao su phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương. Cùng với hồ tiêu, cà phê, cao su là cây chủ lực của huyện.

dsc_0671.jpg
Huyện Đắk R’lấp hiện có hơn 5.200ha cao su

Huyện Đắk R’lấp hiện có hơn 5.200ha cao su. Trước những biến động của thị trường, những năm qua, ngành Nông nghiệp huyện, chính quyền các xã vận động người dân giữ vững diện tích cao su ở những vùng phù hợp để cân đối cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất ổn định.

Tỉnh Đắk Nông hiện có 24.000ha cao su, tăng 16.373ha (tương đương 3,1 lần) so với năm 2004. Riêng năm 2023, tỉnh có 53ha cao su được trồng mới. Cùng với sự gia tăng diện tích, sản lượng mủ cao su của tỉnh cũng tăng 14 lần so với năm 2004, ước đạt 34.800 tấn.

Tuy vậy, sự phát triển ngành hàng cao su của Đắk Nông vẫn chưa đạt như kỳ vọng do thiếu sự liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và nhà nông.

Tỉnh hiện có 5 doanh nghiệp sơ chế, chế biến mủ cao su. Sản phẩm chế biến chủ yếu ở dạng thô; sản lượng sơ chế, chế biến tiêu thụ trên 1.000 tấn/năm, chiếm tỷ lệ khoảng 4% sản lượng mủ cao su của tỉnh, còn lại tiêu thụ dạng mủ tươi.

dsc_1831.jpg
Sản phẩm sơ chế, chế biến chiếm tỷ lệ khoảng 4% sản lượng mủ cao su của tỉnh

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, nút thắt của vấn đề này là do khâu tổ chức sản xuất cao su còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết. Tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu nền sản xuất hàng hóa tập trung, chưa hình thành vùng nguyên liệu cao su theo chuỗi giá trị.

Ngành hàng cao su vẫn có chi phí sản xuất cao, chất lượng sản phẩm chưa ổn định, chưa đáp ứng đồng bộ với các yêu cầu của thị trường nước nhập khẩu và tiêu dùng nội địa ngày càng cao.

Để giải quyết những nút thắt, điểm nghẽn nêu trên, tỉnh đang tập trung triển khai các nhóm giải pháp căn cơ như tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng. Trong đó, Đắk Nông quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu cao su quy mô lớn, sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn, chất lượng cao.

Đắk Nông đặt mục tiêu đến năm 2025 ổn định khoảng 24.000ha cao su. Trước mắt, tỉnh giảm diện tích cao su ở những địa bàn không phù hợp để nâng cao hiệu quả sản xuất.

dsc_1894.jpg
Ngành Nông nghiệp Đắk Nông khuyến khích người dân sử dụng giống cao su ghép cho năng suất cao, kháng bệnh, chịu hạn tốt

Tỉnh xây dựng vùng trồng cao su tập trung tại các địa phương gồm: Cư Jút, Đắk R’lấp, Đắk Glong, Krông Nô và Tuy Đức. Ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông khuyến khích nông dân giữ diện tích cao su ở những vùng cây phát triển tốt, cho chất lượng mủ cao.

Bà con chỉ nên thanh lý cao su để chuyển đổi cây trồng khác đối với những vườn già cỗi, sâu bệnh. Người dân cũng cần tái canh vườn cao su hết tuổi khai thác.

Việc tái canh cần sử dụng giống cao su ghép cho năng suất cao, kháng bệnh, chịu hạn tốt. Nhà nông cần có sự điều tiết hợp lý trong khâu chăm sóc cao su để giữ chất lượng và sản lượng mủ.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), từ đầu tháng 2/2024 đến nay, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước ổn định so với tháng trước. Tại các công ty cao su, hiện giá thu mua mủ cao su nguyên liệu duy trì quanh mức 270-305 đồng/TSC. Giá cao su tại thị trường châu Á được dự báo sẽ duy trì ở mức cao trong mùa thấp điểm khai thác mủ trong khoảng 3 tháng tới.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đắk Nông phát triển cao su theo chuỗi giá trị
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO