Đắk Nông phát sinh hàng tỷ đồng nếu không được gỡ vướng về quy hoạch mỏ đất
Nhiều công trình, dự án tại Đắk Nông đang thiếu vật liệu đất đắp, khiến cho vốn đầu tư tăng lên rất nhiều so với kế hoạch phê duyệt.
Phát sinh hàng tỷ đồng
Thiếu vật liệu đất đắp là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ các công trình, dự án. Tỷ lệ giải ngân vốn dầu tư công toàn tỉnh vì thế bị ách tắc. Hiện nay, nhiều chủ đầu tư đang gặp khó vì chưa tìm được giải pháp căn cơ.
Đắk R’lấp là một trong những địa phương có nhiều công trình chậm tiến độ vì thiếu vật liệu đất đắp. Đường giao thông từ tỉnh lộ 6 đi thị trấn Kiến Đức qua các xã Kiến Thành - Đắk Wer - Nhân Cơ là một trong số đó.
Dự án này có tổng mức đầu tư 86 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương. Trong năm 2024, công trình được bố trí 27 tỷ đồng. Đến ngày 5/6/2024, công trình mới giải ngân 562 triệu đồng, đạt 2,1%.
Theo hồ sơ thiết kế, hiện nay, dự án này còn thiếu khoảng 30.000m3 đất đắp. Trường hợp nếu phải lấy đất từ mỏ quy hoạch về phục vụ dự án sẽ tăng cự ly vận chuyển, với nguồn kinh phí phát sinh liên quan tăng thêm 2,25 tỷ đồng.
Dự án Khu tái định cư thôn 11, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp có tổng mức đầu tư 107 tỷ đồng cũng đang nằm trong tình cảnh tương tự. Công trình khởi công từ năm 2022, dự kiến đến năm 2025 sẽ hoàn thành. Hiện nay, dự án đang thiếu vật liệu đất đắp để thực hiện các hạng mục.
Dự kiến, nguồn vật liệu đất đắp phục vụ cho dự án còn thiếu khoảng 300.000m3. Theo tính toán, nếu phải lấy đất từ mỏ quy hoạch về phục vụ dự án, nguồn kinh phí sẽ tăng lên khoảng 10 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp Nguyễn Quang Tứ thông tin, trong năm 2024, riêng nguồn vốn Trung ương bố trí cho địa phương đầu tư 3 công trình là 57,9 tỷ đồng. Đến nay, địa phương mới giải ngân được 6%. Đây là tỷ lệ rất thấp.
“Vì vấn đề đất đắp, năm 2023, chúng tôi đã trả vốn 25 tỷ đồng của các công trình này rồi. Nếu không giải quyết được vấn đề vật liệu đất đắp, năm 2025 khả năng trả vốn là không tránh khỏi”, ông Tứ khẳng định.
Ông Tứ lý giải thêm, tất cả các công trình, dự án đầu tư công giai đoạn trung hạn 2021-2025 đã được duyệt và chốt từng mỏ đất đắp cố định từ trước đó. Trong khi, đến cuối năm 2022, địa phương mới được duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.
Thực tế này dẫn đến mỏ đất được phê duyệt cho các dự án trước đó không trùng với các mỏ đất nằm trong quy hoạch. Bây giờ, nếu phải lấy đúng mỏ quy hoạch được duyệt thì tăng cự ly vận chuyển, chắc chắn sẽ tăng kinh phí. Nếu tăng kinh phí phải điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Liên quan đến vật liệu đất đắp, Phó Giám đốc Sở TN-MT Vũ Xuân Quỳnh khẳng định: “Nếu như lấy đất ở những mỏ không được cấp phép là sai quy định. Muốn lấy được vật liệu đất đắp bắt buộc phải lấy ở mỏ đã được cấp phép. Mỏ được Sở TN-MT cấp phép bắt buộc phải nằm trong quy hoạch. Điều này đồng nghĩa trường hợp của huyện Đắk R’lấp rất khó giải quyết”.
Rất khó xử lý
Qua rà soát, UBND tỉnh Đắk Nông xác định có 425 dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh nằm trong vùng quy hoạch thăm dò, khai thác bô xít đang gặp khó khăn, vướng mắc trong thu hồi, bảo vệ khoáng sản.
Trong đó, có 37 dự án cần thiết như: cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 2; cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 5; Đường Đạo Nghĩa- Quảng Khê (giai đoạn 2) cần có chính sách tháo gỡ kịp thời.
Thực tế, vướng vật liệu đất đắp đã làm nhiều công trình chậm tiến độ. Muốn khắc phục tình trạng này, nhiều công trình chắc chắn phải điều chỉnh tổng mức đầu tư.
“Trung ương chắc chắn sẽ không điều chỉnh tổng mức đầu tư vì năm nay đã là năm 2024. Trong khi, nguồn dự phòng địa phương không có để bổ sung. Nếu UBND tỉnh không có giải pháp căn cơ để tháo gỡ, các công trình phê duyệt giai đoạn 2021-2025 rất khó về đích được”, ông Tứ khẳng định.
Về mỏ đất đắp, ông Tứ đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo cụ thể làm sao trình cấp phép thêm cho những mỏ thuộc các dự án đã phê duyệt giai đoạn 2021-2025. Chỉ có như thế mới tạo điều kiện cho địa phương thực hiện các công trình.
Liên quan đến giải pháp giải quyết vật liệu đất đắp, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Dưỡng nhấn mạnh, đơn vị đang phối hợp với Sở TN-MT điều chỉnh một số mỏ để có thể thuận lợi khai thác sớm, phục vụ các công trình.
Bởi vì, theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch mỏ khoáng sản không chỉ đích danh định vị cụ thể các mỏ, mà chỉ quy định trữ lượng mỏ ở từng vùng.
Do vậy, tỉnh có thể linh hoạt chuyển từ vị trí này qua vị trí khác, miễn sao thuận lợi khai thác phục vụ cho dự án. Tuy nhiên, muốn làm được điều này, bắt buộc phải báo cáo cho các bộ, ngành liên quan ở Trung ương.
Còn về tổng mức đầu tư, thông thường đều có thể điều chỉnh. Nếu HĐND tỉnh ra chủ trương, HĐND có thẩm quyền điều chỉnh. Tuy nhiên, năm nay đã là 2024 rồi, chắc chắn Trung ương sẽ không cấp thêm nguồn kinh phí cho dự án nữa.
“Bây giờ chỉ còn cách lấy nguồn của địa phương bổ sung vào thôi. Tuy nhiên, nguồn ngân sách tỉnh hạn hẹp, nguồn dự phòng các huyện không có thì rất khó có thể điều chỉnh”, ông Dưỡng khẳng định.