Đắk Nông phát huy di sản nghề dệt thổ cẩm

Ngọc Trâm| 20/03/2023 14:30

Dệt vải là nghề thủ công chứa đựng văn hóa đặc trưng của dân tộc M’Nông, nhưng hiện nay không còn nhiều người theo nghề. Trước thực trạng đó, mới đây UBND tỉnh Đăk Nông ban hành văn bản số 927 - UBND - KGVX về việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản phi vật thể của địa phương.

ADQuảng cáo

Du khách nước ngoài thích thú khi được thợ dệt M’Nông giới thiệu, hướng dẫn trực tiếp những công đoạn dệt thổ cẩm. 


Nghề dệt vải không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa người M’Nông mà còn là một nghề tiềm năng góp phần phát triển du lịch địa phương. Những tấm vải dệt từ bàn tay khéo léo của người thợ thường được sử dụng làm địu, chăn, may quần áo,... trong gia đình. Thậm chí, vải dệt còn trở thành của hồi môn hay lễ vật trong đám cưới và lễ hội buôn làng. Ngày trước, một tấm vải thổ cẩm thành phẩm được dệt rất kỳ công vì phải vào rừng lấy vỏ cây, bông gòn về se thành sợi rồi mới nhuộm màu và dệt. Hiện nay, nguyên liệu dệt cũng dễ kiếm hơn vì có thể mua sợi dệt đủ màu sắc, thậm chí vải hiện nay còn được dệt một cách nhanh chóng nhờ máy dệt. Tuy nhiên, những sản phẩm dệt bằng máy sẽ không đẹp, tinh xảo như dệt theo phương pháp thủ công truyền thống. 
 

ADQuảng cáo

 

Nhằm bảo tồn nghề dệt truyền thống, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, đơn vị có liên quan hướng dẫn thành lập những tổ hợp tác dệt thổ cẩm. Bên cạnh đó, địa phương sẽ tổ chức Hội thi tay nghề giỏi dệt thổ cẩm từ cấp thôn, buôn đến cấp tỉnh. Cụ thể sẽ vinh danh những nghệ nhân dệt thổ cẩm có tay nghề giỏi nhằm khuyến khích người dân góp công sức vào việc bảo tồn, phát triển nghề dệt thổ cẩm. Ngoài ra, tỉnh còn triển khai nhiều lớp truyền dạy kỹ năng dệt thổ cẩm, gắn với phát triển du lịch bền vững. Đồng thời, tìm đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm tại các khu, điểm du lịch và đề xuất kế hoạch tổ chức lễ hội có hoạt động dệt thổ cẩm.
Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, đơn vị rà soát, lập danh sách và xây dựng hồ sơ nghệ nhân dệt thổ cẩm đảm bảo những tiêu chí quy định tại Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25/6/2014 do Chính phủ ban hành. Sau khi hoàn thiện hồ sơ, huyện, thành phố báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể theo quy định pháp luật. Địa phương chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức chuỗi nhiều hoạt động ngày hội, lễ hội, khôi phục cảnh quan tại điểm du lịch có liên quan đến hoạt động dệt thổ cẩm để phát triển du lịch.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiến hành xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn. Qua đó đề ra giải pháp cơ bản về cơ chế chính sách, vốn, kỹ thuật, hỗ trợ tìm đầu ra trên thị trường cho sản phẩm đặc trưng của địa phương trong đó có dệt thổ cẩm… Những chủ trương này nhằm bảo tồn và phát triển nghề dệt truyền thống người M’Nông cũng như nét văn hóa đặc trưng khác của vùng đất, con người Đắk Nông. 
 

ADQuảng cáo
Theo langngheviet.com.vn
https://langngheviet.com.vn/lang-nghe-nghe-nhan/dak-nong-phat-huy-di-san-nghe-det-tho-cam.html37597
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông phát huy di sản nghề dệt thổ cẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO