Đắk Nông phân loại rác tại nguồn còn nhiều khó khăn
Việc phân loại, xử lý rác thải tại nguồn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện vẫn còn nhiều bất cập. Để thực hiện hiệu quả còn nhiều việc phải làm.
Theo lãnh đạo UBND xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp, địa phương đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn.
Cụ thể, đối với các hộ dân sống dọc quốc lộ 14 thì hợp đồng với 1 doanh nghiệp ở TP. Gia Nghĩa thu gom, xử lý. Đối với những khu vực còn lại, xã vận động người dân phân loại rác thành rác hữu cơ và khó phân hủy.
Trong đó, đối với rác hữu cơ, địa phương hướng dẫn, tập huấn cho người dân thực hiện các biện pháp như chôn lấp, ủ thành phân bón cho cây trồng. Thống kê, hiện nay có trên 80% số hộ dân của xã thực hiện các hoạt động phân loại, xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn, góp phần bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
Bà Võ Thị Thu Trang, thôn 3, xã Nhân Cơ cho biết: "Từ nhiều năm nay, bà và phụ nữ trong thôn đã thực hiện việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Các loại rác thải như vỏ trái cây, lá cây, rau củ được bà gom lại ủ thành phân bón vừa tạo thêm độ màu mỡ cho đất vừa giảm lượng rác thải ra môi trường. Các loại rác khó phân hủy như chai nhựa, bao nilon khi loại bỏ thì để riêng và bán lại cho bên thu mua, tái chế".
Khác với những kết quả ở xã Nhân Cơ, ở xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, việc thực hiện phân loại rác tại nguồn gặp không ít khó khăn. Theo lãnh đạo UBND xã, một phần nguyên nhân do địa bàn rộng nên việc thu gom không được thường xuyên, nhiều hộ dân không phân loại rác dễ phân hủy, khó phân hủy mà bỏ lẫn lộn. Bãi rác tại thôn 4, xã Nâm N’Jang thường xuyên chịu cảnh quá tải các loại rác thải sinh hoạt.
Không chỉ ở nông thôn, quan sát của phóng viên Báo Đắk Nông, tại nhiều tuyến đường của TP. Gia Nghĩa, tình trạng người dân không thực hiện phân loại rác tại nguồn diễn ra phổ biến, điều này gây thêm khó khăn cho đơn vị thu gom, xử lý rác.
Những năm qua, nhiều ngành, địa phương đã chú trọng triển khai các biện pháp nhằm phân loại, quản lý rác thải tại nguồn và đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, để mục tiêu phân loại, xử lý rác thải tại nguồn đi vào cuộc sống thiết thực, cần hơn nữa những giải pháp hiệu quả, đồng bộ.
Theo Sở TN - MT tỉnh Đắk Nông, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hăàng năm trên địa bàn tỉnh lớn. Thống kê gần đây của ngành chức năng, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh khoảng trên 320 tấn/1 ngày, trong số đó, chỉ có khoảng trên 60% được thu gom, xử lý.
Đến nay, tỉnh chưa có chương trình tổng thể về phân loại rác thải tại nguồn hoặc phân loại rác thải nhựa ở các địa phương mà chỉ dựa vào một số nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia, dự án triển khai theo hình thức làm điểm, mô hình chậm được nhân rộng, đại trà.
Về quản lý chất thải rắn, tại một số địa phương, tỷ lệ thu gom và tần suất thu gom rác thải sinh hoạt còn thấp, chưa trang bị đầy đủ thiết bị, phương tiện chuyên dụng, chưa bố trí bảo đảm ngân sách cho việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.
Một trong những nguyên nhân nữa là kinh phí bố trí cho hoạt động môi trường còn khó khăn; chưa có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ trong công tác thu gom, xử lý rác.
Mặt khác, một số địa phương chưa có quy hoạch đồng bộ quỹ đất, hạ tầng kỹ thuật nên hoạt động thu gom, phân loại rác thải tại nguồn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.