Kinh tế

Đắk Nông phấn đấu mỗi năm cấp 100 mã vùng trồng

Trần Thị Thoan 01/10/2024 - 07:58

Xây dựng mã vùng trồng nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng với những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm chất lượng.

ADQuảng cáo

Công ty TNHH MTV Ba Sang Đắk Som, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong là một trong số những đơn vị được cấp mã số vùng trồng nội địa đầu tiên của tỉnh Đắk Nông.

Công ty có diện tích được cấp mã là 21ha măng tre bốn mùa, sản lượng 500 tấn/năm. Thị trường hiện nay của công ty là trong tỉnh, trong nước, trong đó trên 50% sản lượng phục vụ người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh.

z5873514374509_16977a59d3830410b37f2383f9de70d5.jpg
Công ty TNHH MTV Ba Sang Đắk Som, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong được cấp mã số vùng trồng nội địa đầu tiên của tỉnh Đắk Nông với 21ha măng tre bốn mùa.

Theo bà Nguyễn Thị Sang, chủ cở sở vùng trồng măng tre của công ty, việc được cấp mã vùng trồng giúp thuận lợi hơn trong khâu tiêu thụ sản phẩm.

Bởi vì sản phẩm được chứng minh nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, cụ thể hơn. Doanh nghiệp ⁸dễ dàng hơn trong việc liên kết, đầu tư máy móc để gia tăng diện tích, sản lượng.

ss09419-095634_646-095636.jpg
Măng tre Ba Sang Đắk Som phục vụ thị trường trong nước hướng đến xuất khẩu

Mới đây, HTX Sản xuất đậu nành Nam Dong, xã Đắk D’rông, huyện Cư Jút được cấp mã vùng trồng nội địa. Hiện HTX có 100 hộ thành viên liên kết sản xuất đậu nành với Công ty Vinasoy với quy mô hơn 135ha.

Ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc HTX cho biết, hiện nay đơn vị đều thực hiện canh tác đậu nành theo chuẩn Viet GAP. Toàn bộ sản phẩm của HTX đều được Công ty Vinasoy thu mua với giá cạnh tranh hơn so với thị trường.

Việc được cấp mã vùng trồng là cơ sở để HTX khẳng định thêm uy tín, chất lượng, thương hiệu sản phẩm không chỉ đối với trong nước mà còn cả quốc tế.

img_0190.jpg
HTX Sản xuất đậu nành Nam Dong, xã Đắk D’rông, huyện Cư Jút được cấp mã vùng trồng nội địa với quy mô 135ha

HTX đã quản lý mã số vùng trồng bằng cách theo dõi nhật ký ghi chép của thành viên tham gia, sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định.

Từ khi có mã số vùng trồng, việc sản xuất của xã viên bài bản hơn, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Điều này từng bước giúp cho thành viên của HTX ổn định sản xuất và nâng cao thu nhập.

Ngày 24/8/2023, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Kế hoạch số 550 triển khai cấp, quản lý mã vùng trồng trong sản xuất nông nghiệp đến năm 2030.

Theo kế hoạch, Đắk Nông hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, tăng cường năng lực quản lý, kiểm tra, đánh giá, giám sát, kiểm soát chất lượng nông sản tại các vùng trồng, phục vụ truy xuất nguồn gốc nông sản trong tình hình mới.

dsc_0128.jpg
HTX Sản xuất đậu nành Nam Dong, huyện Cư Jút có 100 hộ thành viên đã có mã vùng trồng nội địa

Tỉnh thiết lập mã số vùng trồng cho các loại cây trồng chủ lực, thế mạnh, có tính cạnh tranh cao. Tỉnh nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, HTX sản xuất nông nghiệp trong việc tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Đến năm 2030, Đắk Nông hướng đến một số mục tiêu chính gồm triển khai cấp khoảng 648 mã số cho các cây trồng chủ lực, thế mạnh của tỉnh và địa phương, với tổng diện tích trên 9.900ha. Nghĩa là trung bình mỗi năm Đắk Nông cấp 100 mã vùng trồng

Tỉnh cấp khoảng 500 mã số vùng trồng cho các tổ chức, cá nhân đăng ký hồ sơ với diện tích khoảng 2.500ha trên tất cả các loại cây trồng tại địa phương.

dscn8140.jpg
Đến năm 2030, Đắk Nông phấn đấu cấp khoảng 648 mã số vùng trồng cho các cây trồng chủ lực, thế mạnh

Theo Sở NN-PTNT, ngoài vùng trồng xuất khẩu, đến tháng 9/2024, Đắk Nông đã cấp được 14 mã số vùng trồng nội địa, với diện tích 110,78ha, tổng sản lượng ước đạt 3.300 tấn/năm. Trong đó gồm 3 mã rau, 2 mã cà phê, 2 mã ca cao, 2 mã bơ, 2 mã mắc ca, 1 mã măng tre, 1 mã đậu nành, 1 mã vải.

Ông Nguyễn Viết Vui, Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông nghiệp Đắk Nông chia sẻ, việc được cấp mã số vùng trồng không chỉ giúp tiêu thụ hàng hóa nông sản ổn định hơn, mà còn từng bước chuẩn hóa sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Những kết quả đạt được về cấp, quản lý mã vùng trồng nội địa của Đắk Nông thể hiện sự nghiêm túc của cơ quan chức năng, các địa phương, người dân, HTX, doanh nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.

"Các mã vùng trồng nội địa cũng là một tiền đề để định hình xây dựng các vùng trồng xuất khẩu trong thời gian tới", ông Vui cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông phấn đấu mỗi năm cấp 100 mã vùng trồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO