Ngành Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Đắk Nông cho biết, phấn đấu đến cuối năm, sẽ giải ngân 100% nguồn vốn Chương trình giảm nghèo bền vững năm 2022 - 2023 và 95% nguồn vốn năm 2024.
Trong 3 năm (2022-2024), tổng vốn bố trí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững ở tỉnh Đắk Nông là khoảng 897 tỷ đồng. Trong số này, đã phân bổ chi tiết trên 883 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/6, toàn chương trình đã giải ngân được 393,8 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 43,9%.
Trong số 7 dự án được triển khai, dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội tại 2 huyện nghèo Đắk Glong, Tuy Đức và các xã đặc biệt khó khăn được bố trí nguồn vốn lớn nhất gần 368,9 tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ giải ngân đạt khoảng 74%.
Bên cạnh đó, từ nguồn vốn Chương trình MTTG giảm nghèo bền vững, tỉnh Đắk Nông được đầu tư, xây dựng 56 công trình giáo dục, văn hóa, giao thông, thủy lợi…. Các công trình mang lại diện mạo mới cho các địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững.
Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững bố trí gần 93 tỷ đồng thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Hiện toàn tỉnh có 4 dự án trồng trọt và 74 dự án chăn nuôi (chủ yếu là dê, bò, gà) được triển khai.
Được chính quyền địa phương và đơn vị chức năng hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi và nhờ có cách làm linh hoạt, sáng tạo, các mô hình ngày càng phát huy hiệu quả, tạo nền tảng, động lực để các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Anh Nguyễn Đình Kỳ, thôn Bắc Sơn, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil cho biết, cuối năm 2023, gia đình anh được hỗ trợ 1 cặp bò giống để tạo sinh kế, thoát nghèo. Từ một hộ không có kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, anh được địa phương tạo điều kiện để tham gia các lớp tập huấn. Trong quá trình chăn nuôi, 2 con bò của gia đình anh Kỳ còn được tiêm phòng bệnh miễn phí, kiểm tra sức khỏe định kỳ.
“Hàng tháng cán bộ thú y đều đến kiểm tra tình hình sức khỏe của 2 con bò. Mỗi khi có vắc xin phòng bệnh, bò nhà tôi đều được tiêm miễn phí. Ngoài ra, chúng tôi được hướng dẫn trồng cỏ, làm chuồng trại phù hợp để bò sớm sinh sản, phát triển”, anh Kỳ cho hay.
Công tác triển khai đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Từ nguồn vốn giảm nghèo, người dân đã được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống,
Tuy nhiên, hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững còn nhiều khó khăn. Tiến độ giải ngân dự án còn chậm, đặc biệt là các dự án hỗ trợ nhà ở, dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm.
Ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc phụ trách Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Nông cho biết, hiện có nhiều công trình, dự án giảm nghèo có diện tích đất chồng lấn với quy hoạch. Một số hộ nghèo vẫn chưa chủ động vươn lên, mang tâm lý trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước. Trong khi đó, có địa phương chưa linh hoạt, sáng tạo trong công tác giảm nghèo, chưa khơi gợi ý thức thoát nghèo của người dân…
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Nông cho rằng, để đạt được mục tiêu, từ nay đến cuối năm giải ngân hết nguồn vốn giai đoạn 2022-2023 và 95% nguồn vốn năm 2024 thì công tác giảm nghèo phải được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ, gắn với trách nhiệm của các địa phương, đoàn thể chính trị xã hội.
“Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tỉnh Đắk Nông đã kiến nghị với Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm xem xét tháo gỡ vướng mắc của các dự án đầu tư xây dựng nằm trong vùng quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản bô xít. Tỉnh đề nghị Bộ LĐ-TB&XH có quy định, hướng dẫn cụ thể về tiêu chí, xác định đối tượng có thu nhập thấp trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững để các địa phương thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho đối tượng này”, ông Hoàng Viết Nam nói.