Đắk Nông phấn đấu cấp 648 mã vùng trồng cho cây trồng chủ lực
UBND tỉnh Đắk Nông vừa ban hành Kế hoạch số 550 về triển khai cấp, quản lý mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2030.
Theo nội dung kế hoạch, tỉnh Đắk Nông phấn đấu đến năm 2030 sẽ triển khai cấp 648 mã số vùng trồng cho các cây trồng chủ lực, thế mạnh của tỉnh và địa phương với tổng diện tích 9.928,17 ha. Trong đó, tỉnh Đắk Nông sẽ ưu tiên cấp 148 mã số vùng trồng cho vùng sản xuất nông sản thuộc quy hoạch các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nguyên liệu với diện tích 7.428,17 ha. Ngoài ra, Đắk Nông sẽ cấp khoảng 500 mã số vùng trồng cho các tổ chức, cá nhân đăng ký hồ sơ với diện tích khoảng 2.500 ha trên tất cả các loại cây trồng tại địa phương.
Các nhiệm vụ trọng tâm sẽ được triển khai gồm: Khảo sát, đánh giá, xác định vùng trồng; thẩm định hồ sơ, xác thực mã vùng trồng; chuẩn hóa dữ liệu mã vùng trồng; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền; tập huấn cho cán bộ, nông dân và kiểm tra, giám sát định kỳ sau cấp mã vùng trồng, cập nhật dữ liệu lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.
UBND tỉnh Đắk Nông giao Sở Nông nghiệp-PTNT chủ trì phối hợp với UBND các huyện, TP. Gia Nghĩa tiến hành rà soát, lồng ghép các chương trình, đề án, kế hoạch có liên quan gắn với việc thiết lập, cấp, quản lý, giám sát sản xuất tại các mã vùng trồng trên địa bàn toàn tỉnh. Sở Nông nghiệp-PTNT chủ động triển khai trên phần mềm cấp, quản lý mã số vùng trồng trực tuyến theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp-PTNT; cập nhật cơ sở dữ liệu mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt vào cơ sở dữ liệu mã số vùng trồng chung của tỉnh và của quốc gia.
Việc cấp mã số vùng trồng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước kiểm soát chất lượng nông sản tại các vùng trồng, phục vụ truy xuất nguồn gốc nông sản trong tình hình mới. Các mã số vùng trồng cấp cho các loại cây trồng chủ lực, thế mạnh của tỉnh cũng sẽ nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trong việc tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.