Đắk Nông - Nồng nàn tình đất, tình người
Đắk Nông trong tôi là những khuôn mặt hồn hậu, nụ cười chất phác, giọng nói đủ mọi vùng miền rộn rã nơi góc phố nhỏ, vang trong gió trên những đồi cà phê, cao su xanh ngút ngàn.
Vùng đất giao thoa văn hóa ba miền
Đắk Nông trong tôi là những khuôn mặt hồn hậu, nụ cười chất phác, giọng nói đủ mọi vùng miền rộn rã nơi góc phố nhỏ, vang trong gió trên những đồi cà phê, cao su xanh ngút ngàn. Men lá thơm ngát, say nghiêng ché rượu cần đêm đại ngàn tỏa hương mời gọi quanh ánh lửa bập bùng cao nguyên hùng vĩ. Đêm ấm nồng bên bếp lửa, những ánh mắt trôi về miền cổ xưa nghe người già hát kể Ót N'drông… Mỗi khi có ai đó hỏi về Đắk Nông, lập tức những hình ảnh giản dị, tự nhiên và phóng khoáng ấy hiện lên ngay trong đầu tôi, tựa như phác họa đã in hằn trong ký ức, dù có trải qua bao biến thiên của thời gian, qua những phôi pha của năm tháng cũng không thể nào xóa nhòa đi được.
Từ thuở mẹ Rong, mẹ Bông trải qua hành trình đầy gian khổ để khai thiên lập địa, để chinh phục thiên nhiên, mở rộng địa bàn cư trú của người M’nông. Rồi người anh hùng Tiăng tiếp nối bước chân hai mẹ, có công khai sáng cho cộng đồng người M’nông. Đến ngày người tù trưởng N’Trang Lơng cùng bon làng đứng lên đánh đuổi giặc Pháp - trăm năm sau khí phách vẫn còn vang. Tiếp nối hành trình vĩ đại của các bậc tiền nhân, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, Đắk Nông là hành lang chiến lược chi viện cho chiến trường Đông Nam Bộ. Hôm nay, Đắk Nông lại trở thành mảnh đất “đất lành chim đậu” của mọi người con đất Việt. Cụ già lớn tuổi nhất xóm, từ miền Trung theo con trai vào lập nghiệp ở Tây Nguyên, những sớm cuối tuần chuyện trò bên ly trà nóng vẫn bảo: “Cái xóm mình hơn trăm hộ mà đủ cả Bắc, Trung, Nam, đủ cả đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên lẫn đồng bào phía Bắc và người Kh'mer từ miền Tây Nam Bộ lên, sinh sống, làm việc”.
Đắk Nông thành quê hương thứ hai - vừa bao dung, vừa hào phóng, mở lòng đón nhận những phong tục truyền thống, nếp sống, món ăn mà mỗi đứa con xa quê mang theo từ cố hương dung hòa vào vùng đất mới Nam Tây Nguyên. Đắk Nông gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong những điệu chiêng, trong lễ hội của người M’nông, Ê đê nhưng cũng rộng lòng đón nhận chợ phiên của người Mông, tục dựng cây nêu của người Bắc, những món bánh thơm thảo của miền Trung và tinh thần hào hiệp của người miền Nam. Để bất cứ ai, dù đến từ đâu, khi đã chọn Đắk Nông làm nơi lập nghiệp cũng cảm thấy thân thương như sống giữa quê nhà.
Bởi vậy, bất cứ ai, ở bất cứ vùng miền nào, đến Đắk Nông một lần cũng ngỡ ngàng, háo hức, thân thương, rưng rưng xúc động khi gặp lại một mảnh ký ức quê hương nơi đây. Những điều ấy hòa quyện vào những phong tục, tập quán của đồng bào bản địa để làm nên một Đắk Nông đậm đà bản sắc mà nghĩa tình, ấm áp.
Vùng đất bao dung, hào phóng
Bạn bè mỗi khi có ý định lên Đắk Nông du lịch thường hay nhắn hỏi, mùa nào ở Đắk Nông là mùa đẹp nhất? Tôi thường trả lời rằng “Đắk Nông mùa nào cũng đẹp”. Nhưng tôi thường mời bạn lên thăm vào mùa xuân. Mùa xuân - hoa cà phê nở trắng muốt trên những vạt đồi Đắk Nông. Mùa những chú ong rộn ràng đi lấy mật. Thứ hoa được nuôi dưỡng từ hồn đất cao nguyên, trắng trong, thuần khiết mà gợi lên sự no đủ. Mùa lễ hội rộn ràng. Những tiếng cồng chiêng ngân vang mời gọi. Tiếng thác ồ ồ reo vui. Và tết. Dường như tết của khắp mọi miền đất nước đã cùng về sum vầy đầm ấm ở Đắk Nông, giao hòa cùng mùa xuân Tây Nguyên.
Chọn ở lại với mảnh đất cao nguyên hùng vĩ, dữ dội nắng gió mà cũng hào phóng như đất đỏ bazan màu mỡ, cư dân từ khắp miền đất nước tụ lại, đùm bọc nhau mà sống. Người miền Trung vào, người miền Tây lên hái cà phê, hái tiêu, có căn nhà gỗ để không, bà cụ vốn là cô thanh niên xung phong miền Nam, sau ngày giải phóng lên xây dựng lâm trường rồi nên duyên với chàng bộ đội người Ê đê mà thành người Đắk Nông, cho ở nhờ chẳng lấy tiền thuê. Bởi cụ bà tâm niệm: “Ăn hết nhiều chứ ở bao nhiêu, cố dành dụm công hái để cuối vụ mang về nuôi mấy đứa nhỏ đi học. Nhà để không, không có người ở cũng nhanh mục”.
Năm cả nước oằn mình chống dịch, từ những bon làng xa xôi nhất của Đắk Nông, từng lon gạo, búp măng, nắm rau rừng… đã được gửi đi. Đắk Nông chưa giàu, nhưng người Đắk Nông sẵn sàng sẻ chia với đồng bào những gì mình có, dìu nhau qua khó khăn, hoạn nạn bằng nghĩa đồng bào, bằng tình người được thắp sáng.
Trưởng thành từ tình người
Gắn bó với Đắk Nông hơn mười năm, từ khi còn là cậu trinh sát trẻ mới ra trường, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con, tôi đã trưởng thành từ tình người, từ sự giúp đỡ của Nhân dân, dựa vào “tai, mắt” của Nhân dân để hoàn thành nhiệm vụ. Đất và người Đắk Nông hồn hậu, chân thành. Bám vào lòng đất, dựa vào lòng dân mãi mãi là bài học chẳng bao giờ xưa cũ mà chúng tôi nhắc nhở nhau mỗi ngày.
Những con đường lầy lội, bùn đất ghì chặt bánh xe của những năm đầu tôi nhận công tác đã dần được thay bằng những con đường bê tông, đường nhựa. Những ngôi nhà ngói, nhà mái Thái, mái Nhật đã dần thay những căn nhà lụp xụp, cũ kỹ. Những ngôi trường mới khang trang rộn rã tiếng trẻ học bài, nô đùa, múa hát. Những bon, làng đã thay da đổi thịt, tươi sáng hơn mỗi ngày. Nhưng tình người Đắk Nông qua bao tháng năm thì vẫn vẹn nguyên như thế.
Chúng tôi chuyển công tác ít có dịp về thăm, nhưng mỗi khi trở về vẫn là đứa con, đứa em trong gia đình, trong bon làng. Miền đất thân thương đã trở thành nhà, thành quê hương, thành nơi chốn thân thương như một phần máu thịt… Thì ra là vậy! người thương nhau biết sẻ chia, đùm bọc, vì nhau mà sống. Người thương miền đất này, vì nghĩa tình với mảnh đất đã cưu mang mình mà ở lại trọn đời, dùng bàn tay, khối óc để dựng xây và hạnh phúc khi nhìn miền đất mỗi ngày thay da đổi thịt. Tình đất, tình người hòa quyện, sắt son.
Đắk Nông bước vào độ tuổi hai mươi - tuổi tràn căng nhựa sống, tuổi của người con gái đẹp bắt đầu biết làm duyên, làm dáng. Đắk Nông đang thay đổi mỗi ngày, khang trang hơn, đẹp đẽ hơn. Tôi nghĩ đến Đắk Nông tuổi hai mươi, bàn chân bám chặt vào cội nguồn văn hóa, đôi tay vươn cao chạm tới bầu trời khát vọng, tóc xanh ngời sức trẻ bay trong ngọn gió lồng lộng thổi tới tương lai. Hoàng hôn của những tháng ngày cũ đã qua đi, bình minh của khát khao, hi vọng, đổi thay và tươi sáng được tiếp nối từ câu chuyện của già làng sẽ vang vọng mãi, như than đỏ âm ỉ không bao giờ tắt bên bếp lửa nhà dài, như tình người Đắk Nông mãi còn bao dung và hồn hậu…