Đắk Nông "nội soi" để cải thiện tiến độ giải ngân vốn đầu tư
Năm 2023, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển tại Đắk Nông là 3.473 tỷ đồng. Đến 16/2/2023, toàn tỉnh giải ngân được 184 tỷ đồng, đạt 5,3% kế hoạch. Trước thực tế này, ngày 23/2, tập thể lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông chủ trì Hội nghị triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Giải ngân vốn đầu tư còn chậm
Nguyên nhân đạt thấp là do các chủ đầu tư đang tập trung giải ngân số vốn còn lại thuộc kế hoạch năm 2022. Đối với nguồn vốn 2023, sau khi được giao kế hoạch vốn, chủ đầu tư đang tập trung nhân lực, vật lực để triển khai thực hiện.
Nhiều dự án khác, các chủ đầu tư đang thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu. Điều này dẫn đến chưa có khối lượng để thực hiện nghiệm thu, giải ngân.
Riêng đối với nguồn vốn chương trình MTQG năm 2023 có tổng nguồn vốn đầu tư gần 1.120 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách tỉnh là 546 tỷ đồng, còn lại là nguồn Trung ương phân bổ.
Đến giữa tháng 2/2023, nguồn vốn của các chương trình này vẫn chưa được giải ngân. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến giải ngân chậm. Trước hết là do công tác hoàn thiện thể chế quản lý, tổ chức thực hiện của các bộ, ngành Trung ương và địa phương vẫn còn chậm ban hành trong quá trình triển khai.
Một số văn bản đã ban hành, trong quá trình thực hiện vẫn còn phát sinh khó khăn. Đơn cử như định mức về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nhà ở; định mức và hình thức hỗ trợ các dân tộc (Dự án phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) gặp nhiều khó khăn. Việc hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (Dự án giảm nghèo bền vững) còn hạn chế.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười chỉ đạo, giải ngân vốn đầu tư công nói chung, nguồn vốn các chương trình MTQG nói riêng có ý nghĩa then chốt trong thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Tại hội nghị, các địa phương tập trung thảo luận thẳng thắn những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải trong quá trình thực hiện. Đối với khó khăn liên quan đến sở, ngành nào, đơn vị đó trả lời, tháo gỡ minh bạch ngay tại hội nghị cho các địa phương.
Các huyện, thành phố, đơn vị xác định những dự án nào, công trình trọng tâm, trọng điểm để ưu tiên vốn đầu tư. Tránh trường hợp đầu tư dàn trải, hiệu quả không cao.
*Đến 30/6 sẽ chuyển vốn đối với dự án chậm triển khai
Trong phần thảo luận, những vướng mắc các huyện nêu lên được UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan giải đáp cụ thể ngay tại hội nghị để cùng nhau tháo gỡ.
Đơn cử như việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn chưa kịp thời. Một số nội dung hướng dẫn thực hiện chưa đồng nhất, chưa rõ ràng, gây lúng túng trong quá trình thực hiện.
Ông Phạm Ngọc Ẩn, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức nêu: đối với nội dung đất ở, đất sản xuất chưa ban hành định mức hỗ trợ. Quy định cụ thể định mức hỗ trợ cho các nhóm cộng đồng dân cư, quy định số lượng thành viên trong nhóm cộng đồng cũng thế.
Ông Trần Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho hay, một số nội dung về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo chưa có văn bản hướng dẫn. “Địa phương đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH, Sở NN-PTNT có hướng dẫn cụ thể”, ông Thuần đề xuất.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng, trong quá trình hướng dẫn triển khai chắc chắn có những vướng mắc, chưa sát với thực tiễn.
“Những vấn đề liên quan đến Sở NN-PTNT, kính mong các địa phương tích cực trao đổi, tương tác với chúng tôi để cùng nhau xử lý, tháo gỡ”, ông Phạm Tuấn Anh cho biết.
Tại hội nghị, nhiều đề xuất khác của các địa phương như: tăng phân cấp quyền xử lý, giảm thời gian xử lý các văn bản, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ thực hiện... đã được các đơn vị liên quan giải đáp ngay.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười nhấn mạnh, đến cuối năm 2023, Đắk Nông phấn đấu tiến độ giải ngân đầu tư công trên 95% kế hoạch.
Riêng 3 chương trình MTQG phấn đấu giải ngân 100% vốn giao. Trong tình hình ngân sách hạn hẹp, nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề. Do vậy, không ai khác mà tất cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc.
Các huyện, thành phố, đơn vị chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong giải ngân đầu tư công. “Chúng ta xác định vì mục tiêu chung. Giải ngân vốn đúng mục đích, tránh tình trạng lợi ích nhóm”, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười nhấn mạnh.
Trong quá trình thực hiện, mỗi địa phương, sở, ngành phải học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Giữa các tư lệnh ngành và địa phương phải có sự tương tác, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ.
Vai trò, trách nhiệm hướng dẫn của sở, ngành nào, các đơn vị thực hiện bằng cái tâm của mình để hướng về công việc bằng hành động, kết quả cụ thể.
“Đến 30/6, nếu công trình, dự án nào chậm không phải vì lý do khách quan đặc biệt là dừng. Nguồn vốn này sẽ ưu tiên cho những công trình, địa phương nào làm tốt”, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười khẳng định.
Để thực hiện tốt chỉ tiêu giải ngân vốn, Sở KHĐT đề nghị Sở Tài chính phối hợp cung cấp thông tin để đơn vị kịp thời giao chi tiết kế hoạch vốn 2023. Các đơn vị thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đã được UBND tỉnh chỉ đạo.
Mỗi đơn vị, địa phương khẩn trương thực hiện phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm trực tiếp theo dõi, chỉ đạo đến từng dự án do đơn vị làm chủ đầu tư. Việc lập kế hoạch thực hiện, giải ngân chi tiết theo từng tháng đầy đủ gửi về Sở KHĐT để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kịp thời.
Đối với 3 chương trình MTQG, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị khẩn trương tham mưu các văn bản để hoàn thiện thể chế quản lý, tổ chức thực hiện.