Giáo dục - Đào tạo

Đắk Nông nỗ lực xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số

A Trư 07/11/2024 10:15

Đắk Nông chú trọng dạy học, xóa mù chữ (XMC) cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhất là vùng đồng bào các dân tộc phía Bắc di cư vào Đắk Nông sinh sống và những người lớn tuổi DTTS tại chỗ.

Tích cực học chữ để biết được nhiều điều mới mẻ

Vào một buổi tối cuối tuần, chúng tôi đến thăm lớp XMC do Trung tâm Học tập cộng đồng xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong mở tại Trường tiểu học - THCS Trần Quốc Toản từ tháng 11/2023 đến nay. Trong lớp có rất đông học viên với nhiều độ tuổi khác nhau. Thậm chí có một số học viên còn mang con nhỏ theo đến lớp học chữ.

Khoảng 7 tháng nay, bà Vương Thị Thi, dân tộc Nùng ở thôn 4, xã Đắk Ha luôn chăm chỉ đi học lớp XMC. Bà Thi năm nay đã 64 tuổi, là một trong những học viên lớn tuổi của lớp.

img_9474.jpg
Sau bữa cơm tối, đồng bào dân tộc Mông, thôn Đắk S'nao xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong lại gọi nhau soi đèn pin đi học con chữ
z5644671855882_9db1f80683ac5966b1d6c3f4da155e82.jpg
Đã 64 tuổi nhưng bà Thi (bên phải) vẫn chăm chỉ học XMC

Bà Thi phấn khởi: "Được đi học chữ, tôi vui lắm. Từ khi khai giảng lớp học này cho đến giờ, tôi chưa nghỉ học buổi nào. Ban ngày đi làm công việc nhà, nương rẫy, tối đến tôi lại nhờ cháu gái chở đi học chữ. Hôm nào cháu bận việc, tôi tự đi bộ đến lớp".

Theo bà Thi, ngày xưa do quan niệm lạc hậu nên gia đình không cho con gái đi học. Vào đây lập nghiệp cũng do hoàn cảnh khó khăn, bận làm nương rẫy, chăm lo cho con cái, ở xa trường nên bà không đi học. Đến nay, cuộc sống đã đỡ vất vả hơn, con cháu cũng lớn hết. "Khi biết chủ trương mở lớp XMC, tôi thích lắm, liền đăng ký theo học. Các cô giáo giảng dạy cũng dễ hiểu lắm, thấy nhiều điều thật hay, thật ý nghĩa mà bây giờ mới được biết", bà Thi chia sẻ.

Chị Giàng Thị Máy (SN 1997), dân tộc Mông ở thôn 4 cho biết: Từ ngày có lớp học, tôi tranh thủ đi làm về sớm hơn một chút, chuẩn bị cơm nước để kịp giờ đi học. Nhiều hôm làm mệt nhưng cũng không muốn nghỉ học, vì sợ qua bài mất lại không hiểu. Có con nhỏ, không có người nhờ trông coi, chồng thì đi làm xa nên tôi thường xuyên mang con nhỏ đi theo học chữ. Có hôm học muộn, con ngủ gục luôn trên bàn, trên tay. Vất vả nhưng mình phải cố học cho biết chữ...

z5644671859750_ae78110ae8cc1131fea6779f6b5ea5c7.jpg
Mong muốn biết cái chữ nên chị Máy (bên trái) mang theo con nhỏ đến lớp học XMC

Nỗ lực nâng cao dân trí cho đồng bào DTTS

Thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 5 "Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực", Đắk Nông đã rà soát tất cả người dân chưa biết chữ hoặc tái mù chữ, đặc biệt là người DTTS trên địa bàn để vận động học XMC.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy, Trường tiểu học - THCS Trần Quốc Toản, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong cho biết, phần lớn học viên tham gia lớp XMC chỉ quen cầm cuốc, cầm dao nên tay rất cứng, không cầm được vật nhỏ như cây bút. Để khắc phục, những ngày đầu, giáo viên phải hướng dẫn học viên quấn thêm khăn hoặc giấy để bút to hơn. Có học viên mắt mờ, cũng có học viên tai yếu, giao tiếp bằng tiếng phổ thông rất yếu nên quá trình dạy, giáo viên gặp rất nhiều khó khăn.

z5644671825470_a584d145ee7233f75c7251347976f2c8.jpg
Giáo viên Trường tiểu học - THCS Trần Quốc Toản xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong tận tình chỉ dạy học viên viết chữ

Giáo viên phải có phương pháp dạy học riêng, phù hợp lứa tuổi, tâm lý của học viên mới đạt hiệu quả. Quá trình dạy phải vừa nhẹ nhàng, động viên, khích lệ. "Chúng tôi luôn tận tình chỉ dạy, hướng dẫn cho bà con từng con chữ, đọc đi đọc lại nhiều lần. Bên cạnh đó, giáo viên thường xuyên cầm tay học viên uốn nắn, viết từng nét chữ... Cũng có lúc dạy mệt quá, các học viên lại phải động viên ngược lại giáo viên", cô giáo Thủy vui vẻ.

Ông K’Thuốt, Phó Chủ tịch UBND xã, Giám đốc Trung tâm Học tập cộng đồng xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong nhận định: Qua kiểm tra, các lớp XMC trên địa bàn được người dân hưởng ứng tích cực. Học viên đi học đều, kết quả dạy và học đạt kết quả tốt. Học viên sau khi hoàn thành chương trình giai đoạn 1 (lớp 1-3) đều nhận diện được mặt chữ, cơ bản biết đọc, viết các chữ đơn giản, viết được tên của mình. Hoàn thành chương trình giai đoạn 2 (lớp 4-5), học viên biết đọc chữ trên các bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...

pn pct Thuốt (3)

Bà Đinh Thị Hằng, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đắk Glong thông tin thêm: “Để nâng cao dân trí, việc đẩy mạnh phổ cập giáo dục và XMC đóng vai trò rất quan trọng. Hàng năm, huyện luôn chú trọng tuyên truyền, nêu gương, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong công tác phổ cập giáo dục, XMC. Đắk Glong đã huy động mọi nguồn lực, hình thức để mở các lớp học XMC cho người dân ở các độ tuổi. Điều đáng ghi nhận, trong tổng số các lớp được mở theo Tiểu dự án 1, Dự án 5 thuộc Chương trình 1719 thì nhiều lớp được vận động kinh phí từ nguồn xã hội hóa, với tinh thần tự nguyện giảng dạy của giáo viên, các nhà trường.

Đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục, XMC

Toàn tỉnh và ngành Giáo dục luôn xác định việc thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và XMC cho người lớn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị huy động mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển mạng lưới trường lớp, nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung đồ dùng, thiết bị dạy và học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Ngành Giáo dục tập trung nhiều giải pháp quyết liệt để đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục, XMC.

Kết quả thực hiện công tác xóa mù chữ của tỉnh đắk nông (4)
Đồ họa: N.H

Năm 2023, dân số từ 15-60 tuổi toàn tỉnh biết chữ đạt 95.6%. Bộ GD-ĐT đã tổ chức kiểm tra và ban hành Quyết định số 2549/QĐ-BGDĐT ngày 06/9/2023, công nhận tỉnh Đắk Nông đạt chuẩn XMC mức độ 1 năm 2022.

UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Quyết định số 1912/QĐ-UBND ngày 10/11/2021 về thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”. Đắk Nông thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 5 "Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719).

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, để nâng cao công tác phổ cập giáo dục và XMC, Sở GD-ĐT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tiếp tục huy động nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, tạo tiền đề nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trên địa bàn. Ngành tập trung nâng cao hơn nữa hiệu quả giáo dục các trường phổ thông DTNT, trường phổ thông dân tộc bán trú và trường có học sinh bán trú; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, huy động học sinh đến trường, học viên ra lớp xóa mù chữ.

Theo Kế hoạch 589 của UBND tỉnh Đắk Nông, Sở GD-ĐT hướng dẫn các địa phương tăng cường mở lớp XMC trong vùng đồng bào DTTS và vận động người chưa biết chữ tham gia học tập để biết đọc, biết viết, nâng cao trình độ bản thân.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đắk Nông nỗ lực xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO