Đắk Nông nỗ lực giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn Đắk Nông vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là ở đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Hệ lụy, gánh nặng cho gia đình và xã hội
Theo số liệu báo cáo của Sở Y tế và Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2015 đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 554 trường hợp tảo hôn; 28 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Nạn tảo hôn, phổ biến nhất là nữ ở độ tuổi dưới 16. Hôn nhân cận huyết thống thường là hình thức hôn nhân con cô, con cậu (chưa qua 3 thế hệ).
Những trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống rất khó có số liệu thống kê cụ thể. Do họ thường không đăng ký kết hôn, không có hộ khẩu thường trú, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, giao thông đi lại không thuận tiện, khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội hạn chế.
Trong đó, diễn tại một số địa phương như: các xã Quảng Hòa, Đắk Som, Đắk R’măng (Đắk Glong); các xã Đắk Ngo, Quảng Trực (Tuy Đức); các xã Cư K’nia, Ea Pô (Cư Jút); các xã Quảng Phú, Đắk Nang (Krông Nô)…
Thời gian qua, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã để lại nhiều hệ lụy, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tảo hôn và hôn cận huyết thống ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dân số, suy giảm giống nòi. Dù khỏe mạnh nhưng khi kết hôn cận huyết thống họ có thể sinh ra những đứa con ốm yếu, dị dạng hoặc bệnh tật, kém phát triển chiều cao/cân nặng, trí tuệ...
Hôn nhân cận huyết thống, do có nhiều loại gen chung, tỷ lệ mang các gen bất thường có thể tăng, dẫn đến khả năng mắc các bệnh di truyền như bệnh tim bẩm sinh, tự kỷ và hội chứng Down.
Ông Đặng Văn Hướng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đắk Glong bày tỏ: "Do bỏ học kết hôn sớm, tuổi đời còn nhỏ, nhận thức về xã hội, gia đình còn kém nên việc chăm sóc cho con cái hạn chế. Bên cạnh đó, việc lập gia đình khi chưa đủ tuổi nên tư liệu sản xuất (vốn, đất đai, công cụ lao động) không có, dẫn đến điều kiện phát triển kinh tế rất khó khăn… Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nghèo, lạc hậu, chậm phát triển"
Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do một số dân tộc thiểu số còn tư tưởng sinh con nhiều để có anh em; cho con lấy vợ, gả chồng sớm để khỏi gánh nặng cho gia đình. Sự vào cuộc của chính quyền địa phương chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết.
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên tại nhiều địa phương, trường học chưa được quan tâm đúng mức. Quan hệ tình dục không lành mạnh và không an toàn trước hôn nhân dẫn đến có thai ngoài ý muốn…
Thực hiện nhiều giải pháp để giảm thiểu
Ngày 25/1/2021, tỉnh Đắk Nông ban hành Kế hoạch số 46/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021 - 2025”.
Theo Ban Dân tộc tỉnh, giai đoạn 2021-2025, Đắk Nông được giao vốn thực hiện Tiểu dự án 2 “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi” của Dự án 9 thuộc Chương trình 1719 gần 5,5 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 9/2024, toàn tỉnh đã giải ngân hơn 3,7 tỷ đồng.
Thực hiện các kế hoạch, dự án, chương trình, thời gian qua, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh đã tổ chức nhiều buổi truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào DTTS.
Các tài liệu, tờ rơi, khẩu hiệu, đăng bài trên báo, đài phát thanh - truyền hình… có nội dung liên quan đến Luật Hôn nhân và Gia đình, phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, dân số để tuyên truyền đề án một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, mô hình “Can thiệp làm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” ở Trường PTDTNT THCS và THPT huyện Đắk Glong và xã Đắk Som, huyện Đắk Glong được duy trì hiệu quả. Ngành Giáo dục Đắk Nông triển khai 5 mô hình gồm: 2 mô hình ở trường DTNT, bán trú và 3 mô hình ở xã có tỷ lệ hoặc nguy cơ cao về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao.
Ban Dân tộc tỉnh đã in ấn 2.590 tài liệu; mở 24 lớp tập huấn để nâng cao năng lực cho 2.590 học viên là đội ngũ cán bộ, già làng, người có uy tín, trưởng thôn, bon, buôn, bản và người dân… tham gia học tập.
Các địa phương xây dựng, triển khai nhân rộng mô hình điểm và các mô hình chuyên đề “Can thiệp làm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”.
Ông Quách Công Ban, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, với nỗ lực của chính quyền các cấp, ngành chức năng, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, 100% trường DTNT, bán trú và các xã có đông đồng bào DTTS sinh sống được tuyên truyền, cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật liên quan về lĩnh vực hôn nhân gia đình; tác hại, hệ lụy của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống bằng nội dung, hình thức phù hợp.
"Bình quân mỗi năm, Đắk Nông nỗ lực giảm 2%-3% số cặp tảo hôn và 3% - 5% số cặp kết hôn cận huyết thống đối với địa bàn DTTS. Đến năm 2025, cơ bản ngăn chặn hoặc hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS", Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quách Công Ban chia sẻ.