Kinh tế

Đắk Nông nỗ lực đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử

Phan Quốc Sỹ 30/10/2023 17:06

Sàn thương mại điện tử (TMĐT) với lợi thế bán hàng đa kênh trên nhiều nền tảng trực tuyến đang là phương thức tiêu thụ hàng hóa khá hiệu quả. Nắm bắt cơ hội này, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, nhiều doanh nghiệp, HTX, người dân đang nỗ lực đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn TMĐT.

ADQuảng cáo

Phấn đấu 100% sản phẩm OCOP lên thương mại điện tử

Đây là mục tiêu phấn đấu đề ra của Kế hoạch số 653/KH-UBND ngày 11/11/2022 của UBND tỉnh Đắk Nông về thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025.

Để đạt được mục tiêu này, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm sản phẩm OCOP; đẩy mạnh hệ thống thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến, đặt biệt đối với các sản phẩm đặc sản của địa phương. Ngành Công thương và các địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới sản phẩm OCOP trong nước và quốc tế.

sp-krong-no-san-dien-tu(1).jpg
Nhiều sản phẩm OCOP của huyện Krông Nô đã được hỗ trợ đưa lên bán trên sàn thương mại điện tử

Theo thống kê, đến đầu tháng 12/2023, toàn tỉnh đã có 21 sản phẩm OCOP được đưa lên các sàn thương mại điện tử OCOP quốc gia (sanocop.vn). Nhiều sản phẩm đã được đưa lên một số sàn thương mại điện tử khác như Tiki, Shopee, Sendo, Alibaba, Amazon… Ngoài ra, các cấp, ngành cũng đã hỗ trợ các chủ thể đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, các điểm giới thiệu sản phẩm của tỉnh, huyện... Các sản phẩm OCOP sau khi tham gia sàn thương mại điện tử được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, lượng hàng bán ra đạt doanh thu khả quan hơn. Điều này giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư lớn hơn vào sản phẩm.

hat-dieu-rang-muoi(1).jpg
Hạt điều rang muối Hồng Đức (Đắk R’lấp) trên sàn TMĐT postmart

Thời gian qua, Đắk Nông cũng đã tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ đưa các hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT. Đặc biệt, các hàng nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP, VietGAP… được đơn vị chức năng đưa lên 2 sàn thương mại chính như: Voso.vn và Postmart.vn.

Trong Kế hoạch phát triển TMĐT, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đắk Nông xây dựng bộ giải pháp hỗ trợ kinh doanh trực tuyến để giúp các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ triển khai ứng dụng TMĐT.

Tỉnh xây dựng và hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ như: mã vạch, QP code, chip NFC, blockchain... để truy xuất nguồn gốc xuất xứ cho các sản phẩm hàng hóa.

Hàng năm, các doanh nghiệp chưa có hoặc đã có website TMĐT đang hoạt động sẽ được tỉnh hỗ trợ thiết kế, nâng cấp thành website TMĐT có đầy đủ chức năng để bán hàng như: giỏ hàng trực tuyến, tích hợp thanh toán trực tuyến, quản lý hoạt động khuyến mại trực tuyến, kết nối mạng xã hội, hỗ trợ chat live và website phải thân thiện với thiết bị cầm tay...

Hoạt động hỗ trợ phát triển TMĐT sẽ được thực hiện theo từng ngành hàng, nhất là lĩnh vực có tiềm năng xuất khẩu cao...

Trước đó, vào tháng 3/2022, Sở TTTT cũng đã có văn bản đề nghị Bưu điện tỉnh, Chi nhánh Viettel Đắk Nông hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên Sàn thương mại điện tử (TMĐT), thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, đối với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, Sở đề nghị các doanh nghiệp hỗ trợ đưa 100% sản phẩm lên sàn TMĐT; hỗ trợ đưa tối thiểu 20% các sản phẩm đạt tiêu chuẩn khác lên sàn TMĐT; hỗ trợ đưa lên sàn TMĐT 100% đối với các cơ sở cung cấp vật tư nông nghiệp; hỗ trợ gắn Mark thương hiệu hộ sản xuất nông nghiệp và đào tạo, tập huấn cho các đại diện hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh…

Hiện nay, đa phần sản phẩm OCOP đều được dán tem truy xuất nguồn gốc, nên dễ dàng đạt điều kiện để tham gia vào các sàn TMĐT. Bưu điện tỉnh Đắk Nông đã cập nhật 28 sản phẩm OCOP của tỉnh trên sàn TMĐT.

ADQuảng cáo

Ngoài ra, Chi nhánh Viettel Đắk Nông cũng đang hỗ trợ đưa các sản phẩm OCOP hạng từ 3 sao trở lên vào sàn TMĐT để phục vụ tiêu thụ, quảng bá thương hiệu cho người dân.

Sự nỗ lực của chủ thể sản phẩm

Bên cạnh sự hỗ trợ của tỉnh, ngành chức năng, các HTX, các chủ thể cũng đã nỗ lực để sưa các sản phẩm OCOP quảng bá, buôn bán trên các sàn TMĐT, bước đầu đạt được nhiều kết quả khả quan. Không ít sản phẩm OCOP Đắk Nông đã hiện diện trên các sàn TMĐT lớn như Shopee, Tiki, Sendo…

Theo DNTN Toàn Hằng (Đắk R’lấp), sau khi đạt chứng nhận OCOP hạng 3 sao, sản phẩm cà phê bột của công ty đã tự tin khẳng định thương hiệu trên thị trường. Qua các sàn TMĐT, chỉ trong thời gian ngắn, sản phẩm của doanh nghiệp đã được nhiều người biết đến và tin tưởng sử dụng.

Để có được nguồn nguyên liệu chuẩn, doanh nghiệp đang liên kết với khoảng 2.000 hộ dân trong vùng để trồng khoảng 3.000 ha cà phê, đáp ứng 80% công suất chế biến của nhà máy.

Mỗi tháng, doanh nghiệp cung ứng ra thị trường khoảng 5 tấn cà phê rang xay. Nhờ sản phẩm được chế biến tại nguồn, nên chất lượng luôn được quản lý chặt chẽ, bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ngoài các kênh TMĐT trong nước, doanh nghiệp đang tiếp cận các sàn thương mại quốc tế như: Alibaba, Amazon… để đưa sản phẩm tiến xa hơn vào thị trường các nước trên thế giới.

“Doanh nghiệp mong rằng, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ, đồng hành với bà con để làm ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao hơn. Từ đó có thể tiếp cận các thị trường khó tính, giúp nâng cao giá trị kinh tế cho nông sản địa phương”, ông Trương Công Toàn, chủ doanh nghiệp cho biết.

dai-toan-phat(1).jpg
Sản phẩm mắc ca của Công ty TNHH SX-DV Đại Toàn Phát (TP. Gia Nghĩa) có mặt tại sàn TMĐT Shopee

Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông hiện có khoảng 30 sản phẩm đã được quảng bá rộng rãi tại nhiều kênh bán hàng khác nhau. Ngoài cà phê, ca cao, socola, còn có nhiều sản phẩm đặc sản của Tây Nguyên như: mắc ca, hồ tiêu…

Trong quá trình giới thiệu sản phẩm, Công ty sử dụng các trang mạng như: Facbook, Website, Copy shop. Bên cạnh tham gia các chương trình kết nối giao thương của các sở, ngành, địa phương, công ty đã chủ động kết nối, quảng bá và bán sản phẩm trên sàn TMĐT. Trong đó, các sản phẩm cà phê hữu cơ Fine Robusta của công ty đã được bày bán trên sàn TMĐT Shopee.

huong-que(1).jpg
Bột ca cao Hương Quê Đắk Nông trên sàn TMĐT Sendo

Năm 2020, sản phẩm khô bò sấy Đức Tâm được UBND tỉnh Đắk Nông công nhận đạt OCOP hạng 3 sao và được hỗ trợ đưa lên sàn TMĐT sanocop.vn. Từ đó, lượng khách hàng đa dạng hơn. Mỗi năm, cơ sở bán ra thị trường ước từ 3 - 4 tấn sản phẩm bò khô. Nhiều thời điểm nguồn cung không đủ cho thị trường. Khi tham gia sàn TMĐT, sản phẩm của cơ sở được khách hàng chú ý nhiều. Nhờ đó, sản phẩm đã tiếp cận với các chuỗi siêu thị, các khu du lịch và thị trường tại các tỉnh, thành cả nước.

Nhận thấy, người tiêu dùng mua sắm trên điện thoại thông qua các kênh TMĐT như: Shoppee, Lazada, Sendo, Postmart, mạng xã hội… rất nhiều. Vì vậy, từ năm 2021, sản phẩm mắc ca chứng nhận OCOP hạng 3 sao của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ An Phát (Gia Nghĩa) đã sớm có mặt trên các kênh TMĐT. Đây là một trong những sản phẩm OCOP của Đắk Nông sớm có mặt tại các sàn TMĐT.

Đến tháng 10/2023, Đắk Nông đã có 1.161 sản phẩm được hỗ trợ lên sàn TMĐT; trong đó, có 47/60 sản phẩm OCOP và 1.114 sản phẩm nông nghiệp khác. Tổng số giao dịch trên sàn thương mại điện tử là 27.528 lượt. Các sản phẩm OCOP sau khi tham gia sàn TMĐT được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, lượng hàng bán ra đạt doanh thu khả quan hơn. Điều này giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư lớn hơn vào sản phẩm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông nỗ lực đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO