Văn hóa

Đắk Nông nỗ lực bảo tồn văn hóa truyền thống

PV 12/12/2024 16:08

Đắk Nông có nền văn hóa đa dạng, mang truyền thống và bản sắc riêng của nhiều dân tộc cùng chung sống. Trong đó, thể hiện đậm nét là nền văn hóa của các dân tộc M’nông, Mạ, Ê đê.

Thời gian qua, Đắk Nông luôn chú trọng đến công tác bảo tồn, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Trợ lực từ Chương trình 1719

Nghị quyết các kỳ đại hội, chương trình hành động, kế hoạch phát triển của tỉnh Đắk Nông luôn dành một phần nội dung và nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

z5821015236843_c17ceef19b612ddacc2771d287f47572(1).jpg
Đồng bào dân tộc Mạ giữ gìn và bảo tồn nghệ thuật làm cây nêu

Các đề án, chương trình được triển khai như Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lễ hội - hoa văn - cồng chiêng và nhạc cụ của các dân tộc tại chỗ tỉnh Đắk Nông; Đề án tổ chức lễ hội hoa văn thổ cẩm các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Đắk Nông; Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các DTTS đến năm 2030; Đề án bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các DTTS gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; Đề án bảo tồn, phát huy thổ cẩm truyền thống của đồng bào các DTTS M’nông, Mạ, Ê đê, Thái, Dao gắn với phát triển du lịch tỉnh Đắk Nông; Chương trình số 27-Ctr/TU về sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ thất truyền của đồng bào các DTTS tại chỗ, giai đoạn 2021-2025…

dong-bao-dan-toc-m-nong-bao-ton-nghe-tac-tuong-go(1).jpg
Đồng bào dân tộc M'nông giữ gìn, bảo tồn và phát huy nghề tạc tượng gỗ

Bên cạnh nguồn lực của tỉnh, giai đoạn 2021-2025, công tác bảo tồn văn hóa của Đắk Nông còn được trợ lực từ Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình 1719).

dak-mil(1).jpg
Huyện Đắk Mil tổ chức thực hiện các chương trình bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể các DTTS trên địa bàn từ nguồn vốn Dự án 6, Chương trình 1719

Theo Sở VH-TT&DL Đắk Nông, giai đoạn 2021-2024, Dự án 6 phân bổ 53,45 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương 27,424 tỷ đồng, ngân sách địa phương 26,026 tỷ đồng. Tính đến 30/9/2024, toàn tỉnh đã giải ngân được 20,859 tỷ đồng, đạt hơn 39%.

Triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Dự án 6, năm 2024, ngành Văn hóa tỉnh và các địa phương tổ chức các lớp tập huấn công tác phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS gắn với phát triển du lịch cộng; tuyên truyền giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch trên địa; hỗ trợ vật dụng, xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị tại các thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi.

z6115969745932_4ab6a47cebd2cee7afc3d19e8d8bc6dd-1-(1).jpg
Dự án 6, Chương trình 1719 hỗ trợ trang phục, thiết bị hoạt động cho Đội văn nghệ truyền thống liên bon Sa Pa và Bu Đắk, xã Thuận An, huyện Đắk Mil

Bên cạnh đó, nguồn vốn dự án này còn hỗ trợ các địa phương tổ chức bảo tồn một số lễ hội truyền thống, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; xây dựng chính sách và hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người DTTS trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những người kế cận.

Đặc biệt, dự án còn hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể các DTTS có nguy cơ mai một (các hình thức sinh hoạt văn hóa, tập quán xã hội, nhạc cụ, kiến trúc, trang phục truyền thống, các môn thể thao truyền thống, tiếng nói, chữ viết và các giá trị khác văn hóa khác); xây dựng mô hình văn hóa truyền thống các DTTS (mô hình trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa đặc thù các dân tộc thiểu số, mô hình bảo vệ văn hóa phi vật thể các DTTS; mô hình xây dựng đời sống văn hóa các DTTS); đầu tư bảo tồn làng, bản, bon, buôn văn hóa truyền thống tiêu biểu của các DTTS;

Ngành Văn hóa xây dựng các đề án cấp tỉnh và xây dựng hồ sơ khoa học một số di sản văn hóa phi vật thể; khảo sát, kiểm kê, sưu tầm di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các DTTS tại chỗ; bảo tồn lễ hội truyền thống của các DTTS tại chỗ…

Trong đó, quy hoạch đầu xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS tại 2 điểm là bon N'Jriêng, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa và buôn Buôr, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút; đầu tư bảo tồn bon, buôn truyền thống tiêu biểu của các DTTS tại 2 bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R'lấp và bon N'drung Lu, xã Đắk N'Drung, huyện Đắk Song trở thành bon văn hóa tiêu biểu để đón khách du lịch.

Phát huy vai trò người “truyền lửa”

Nghệ nhân ưu tú H’Grao, bon B'Dơng, xã Đắk Som (Đắk Glong) có tình yêu mãnh liệt với các loại nhạc cụ dân gian như m’buốt, khèn, sáo… Tuy tuổi đã cao nhưng mỗi khi tiếng đàn, tiếng sáo của bà cất lên vẫn làm say đắm lòng người. Nghệ nhân H’Grao cũng luôn dành thời gian chỉ dạy cho con cháu cách thổi nhạc cụ truyền thống để khơi dậy tình yêu văn hóa dân tộc.

h-grao(1).jpg
Nghệ nhân ưu tú H’Grao, bon B'Dơng, xã Đắk Som (Đắk Glong) sử dụng thành thạo nhạc cụ dân gian m’buốt

Mỗi khi gia đình tụ họp, quây quần bên ché rượu cần, nghệ nhân H’Grao lại thổi nhạc cụ dân tộc, nói chuyện cho con cháu về ý nghĩa của mỗi nhạc cụ, mỗi bài nhạc để con cháu hiểu, nuôi dưỡng đam mê. Bà H’Grao thường xuyên tham gia biểu diễn trong các sự kiện lớn của xã, huyện, đồng thời đạt nhiều giải thưởng trong các hội thi, hội diễn do địa phương tổ chức.

“Từ nhỏ, tôi đã được bố mẹ chỉ dạy cách thổi m’buốt, khèn, sáo, đánh đàn. Khi thổi các nhạc cụ này mình cảm thấy thoải mái, vui vẻ. Hiện nay, rất ít người thổi được nhạc cụ của dân tộc mình. Do đó, tôi mong chính quyền địa phương quan tâm mở các lớp chế tác, truyền dạy nhạc cụ cho thế hệ trẻ để bảo tồn, gìn giữ nét đẹp văn hóa của cha ông”, nghệ nhân H’Grao chia sẻ.

Tôi mong chính quyền địa phương quan tâm mở các lớp chế tác, truyền dạy nhạc cụ cho thế hệ trẻ để bảo tồn, gìn giữ nét đẹp văn hóa của cha ông.

Nghệ nhân ưu tú H’Grao, bon B'Dơng, xã Đắk Som (Đắk Glong)

Cùng với nghệ nhân ưu tú H’Grao, đội ngũ nghệ nhân trên địa bàn tỉnh luôn nỗ lực gìn giữ, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Theo thống kê, toàn tỉnh Đắk Nông hiện có khoảng 200 người biết chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc; 12 người nhớ và hát kể được sử thi Ót N’drông M’nông; 301 người biết và hát những làn điệu dân ca; gần 700 người biết dệt thổ cẩm truyền thống (cả dân tộc phía Bắc); có 53 người biết làm cây nêu truyền thống; hơn 363 người biết đan lát truyền thống của dân tộc mình; hơn 100 người biết và kể được truyện cổ; 69 người là đồng bào dân tộc phía Bắc biết và sử dụng đàn tính, hát then…

dsc_3549(1).jpg
Nghệ nhân ưu tú H’Plơ chỉ dạy Đội văn nghệ bon Sa Pa, xã Thuận An (Đắk Mil) các điệu múa truyền thống

Trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đội ngũ nghệ nhân có vai trò hết sức quan trọng. Bởi họ chính là những người “giữ lửa” và “tiếp lửa”, hiểu được tâm tư, ước vọng, truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Để góp phần khuyến khích đội ngũ nghệ nhân thì các cấp, các ngành, địa phương cần quan tâm hơn nữa, có chính sách phù hợp.

phu-nu-dong-bao-dan-toc-m-nong-giu-gin-mon-an-thit-nuong-truyen-thong(1).jpg
Đồng bào dân tộc M'nông, Mạ ở Đắk Nông giữ nét văn hóa ẩm thực độc đáo với thịt nướng, cơm lam, rượu cần, canh thụt…

Chính quyền các cấp, các ngành chức năng cũng tích cực tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa dân tộc. Trong đó, đặc biệt chú trọng vận động các nghệ nhân nỗ lực truyền dạy, nuôi dưỡng tình yêu văn hóa dân tộc đối với thế hệ trẻ để tiếng chiêng, tiếng nhạc cụ dân tộc cũng như nét đẹp văn hóa dân tộc trường tồn cùng thời gian.

Nhiều kết quả khả quan

Sau nhiều năm triển khai thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS trên địa bàn Đắk Nông đạt nhiều kết quả. Đến nay, 100% bon, buôn đồng bào các DTTS tại chỗ được kiểm kê, sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể.

img_2432(1).jpg
M’buốt, hát dân ca-Nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc bản địa Đắk Nông

Trong công tác sưu tầm, bảo tồn văn hóa, toàn tỉnh còn hơn 180 bộ chiêng; gần 30 lễ hội truyền thống của 3 DTTS tại chỗ trên cơ sở nguyên gốc, nguyên bản được phục dựng, bảo tồn. Cùng với Không gian văn hóa cồng - chiêng Tây Nguyên, Sử thi Ót N’drông thì nghề dệt truyền thống của người M’nông và dân ca M’nông tỉnh Đắk Nông đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

dsc_1409(1).jpg
Đồng bào dân tộc Ê đê, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút giữ gìn và phát huy nghề dệt thổ cẩm

Toàn tỉnh có 6 huyện, thành phố thành lập 32 câu lạc bộ thường xuyên hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian, phục vụ khách tại các điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh.

Các địa phương, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể tại 41 điểm đến trên 3 tuyến du lịch trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Các lớp tập huấn, truyền dạy văn hóa phi vật thể thường xuyên được tổ chức…

img_3742(1).jpg
Đồng bào dân tộc Thái, xã Ea Pô, huyện Cư Jút uyển chuyển trong điệu múa khăn Piêu

Ông Nghiêm Đình Hiếu, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Đắk Nông cho biết: Trong thời gian tới, ngành Văn hóa tỉnh tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quan trọng trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc. Trong đó tập trung vào các loại hình nghệ thuật, lễ hội, phong tục tập quán và tri thức dân gian của các dân tộc thiểu số. Sở tham mưu Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh và các địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện để nghệ nhân dân gian truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

“Sở tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, cụ thể như số hóa các tài liệu, hiện vật và di sản văn hóa để lưu trữ và phổ biến rộng rãi, xây dựng nền tảng trực tuyến giới thiệu văn hóa truyền thống của Đắk Nông. Vai trò cộng đồng, xã hội hóa trong bảo tồn văn hóa truyền thống cũng được ngành lưu ý, triển khai nhiều hơn”, Giám đốc Sở VH-TT&DL Đắk Nông khẳng định.

“Sở tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, cụ thể như số hóa các tài liệu, hiện vật và di sản văn hóa để lưu trữ và phổ biến rộng rãi, xây dựng nền tảng trực tuyến giới thiệu văn hóa truyền thống của Đắk Nông. Vai trò cộng đồng, xã hội hóa trong bảo tồn văn hóa truyền thống cũng được ngành lưu ý, triển khai nhiều hơn”, Giám đốc Sở VH-TT&DL Đắk Nông khẳng định.

Năm 2024, tại Quyết định số 391/QĐ-BVHTTDL ngày 21/2/2024, Đắk Nông có tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ cúng thần rừng (Yang Brê) của người Mạ, TP. Gia Nghĩa và huyện Đắk Glong được của Bộ VH-TT&DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là bước ngoặt quan trọng trong việc giữ gìn và lan toả giá trị tâm linh độc đáo của đồng bào DTTS bản địa của Đắk Nông.

Nguồn: Sở VH - TT & DL tỉnh Đắk Nông

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đắk Nông nỗ lực bảo tồn văn hóa truyền thống
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO