Đắk Nông nhộn nhịp thị trường tết ông Công, ông Táo
Các mặt hàng cúng ông Công, ông Táo tại Đắk Nông được bày bán đa dạng tại các cửa hàng, chợ truyền thống, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Lễ cúng ông Công, ông Táo là một nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam diễn ra ngày 23 tháng Chạp hàng năm với quan niệm tiễn năm cũ và đón năm mới với nhiều may mắn.
Lễ vật cúng thường được các gia đình bày biện chu đáo và đầy đủ. Vì vậy, dịp này, thị trường hoa quả, cau trầu, hoa tươi, vàng mã… khá sôi động.
Theo quan niệm dân gian, cá chép là phương tiện để đưa Táo quân về trời nên được bày bán nhiều nơi vào dịp này để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Chị Nguyễn Thu Quyên, cơ sở kinh doanh cá cảnh tại TP. Gia Nghĩa cho biết: “Dịp lễ ông Táo năm nay, chúng tôi bán khoảng hơn 2 tạ cá chép đỏ phục vụ người dân mua về để cúng và phóng sinh. Năm nay, cá to đều và đẹp hơn, giá dao động từ 30-50.000 đồng/3 con. Trong 2 ngày 22 - 23/12 âm lịch, lượng khách mua rất đông”.
Ngoài cá chép đỏ truyền thống, các loại cá chép được làm bằng xôi gấc, bột bánh, rau câu cũng khá đắt hàng dịp tết ông Công, ông Táo. Các sản phẩm cá chép được làm thủ công đẹp mắt với giá dao động từ 30-100.000 đồng/1 con.
Cùng với cá chép, các lễ vật khác cũng được người dân chọn mua để chuẩn bị cho lễ cúng tiễn các vị táo quân về trời.
Các quầy hàng hoa quả tập trung đông người mua. Một số loại hoa quả được chọn mua nhiều như: Bưởi, cam, thanh long, xoài có giá bán bình quân 45.000 đồng/kg; dưa hấu 20.000 đồng/kg; na Thái 70.000 đồng/kg; lựu 60.000 đồng/kg…
Hoa tươi thu hút người mua, nhất là hoa cúc được nhiều người dân lựa chọn, với giá từ 20 – 50.000 đồng/bó.
Bà Nguyễn Văn Ba, tiểu thương bán hoa quả ở TP. Gia Nghĩa cho hay: “Giá hoa quả vẫn cơ bản giữ nguyên như trước, chỉ có một vài loại quả tăng nhẹ. Để phục vụ người dân mua lễ, chúng tôi đã nhập về nhiều loại quả và số lượng lớn hơn ngày thường”.
Cau trầu là lễ vật không thể thiếu của các mâm cúng, với giá dao động từ 15-25.000 đồng/đĩa.