Kinh tế

Đắk Nông nhập cuộc nông nghiệp xanh

Phan Thanh Nga 26/12/2024 17:29

Đắk Nông đang từng bước xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững, tạo sản phẩm đạt tiêu chuẩn chung toàn cầu.

Các hợp tác xã tiên phong

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Hoàng Nguyên ở huyện Đắk Song có 202 hộ dân trồng 700ha hồ tiêu sạch, trong đó 197ha được chứng nhận hữu cơ các tiêu chuẩn Nhật Bản, Mỹ, EU, Canada. Những năm qua, HTX Hoàng Nguyên đã hướng dẫn kỹ thuật sản xuất hồ tiêu hữu cơ cho nông dân từ đó mang lại nhiều lợi ích.

Anh Đào Văn Nga, thành viên của HTX Hoàng Nguyên chia sẻ, làm nông nghiệp hữu cơ điều đầu tiên đó là mang lại lợi ích về sức khỏe cho bản thân, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường đất, môi trường nước sạch.

“Lao động trong vườn hồ tiêu trong lành, không hóa chất độc hại tôi cảm thấy thoải mái. Đặc biệt, tôi thấy hạnh phúc khi mang đến sản phẩm tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng”, anh Nga chia sẻ.

img_0136(1).jpg
Anh Đào Văn Nga, thành viên của HTX Hoàng Nguyên áp dụng kỹ thuật trồng, chăm sóc hồ tiêu hữu cơ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ đất đai tơi xốp

HTX Hoàng Nguyên là minh chứng điển hình cho hiệu quả, giá trị khác biệt của nông nghiệp hữu cơ. Đa số các hộ sản xuất hồ tiêu hữu cơ đạt năng suất từ 3-4 tấn hạt/năm.

Ông Nguyễn Cao Nguyên, Phó Giám đốc HTX Hoàng Nguyên chia sẻ: “Để sản phẩm hồ tiêu đạt hữu cơ thì nông dân phải tuân thủ quy trình sản xuất rất chặt chẽ. Đồng thời, nông dân thu thành quả xứng đáng, đó là cái năng suất cây trồng bảo đảm, giá bán phải tương xứng. Trong năm 2024, giá hồ tiêu hữu cơ của HTX cao hơn khoảng 25% nhưng có những thời điểm tăng 200% so với hồ tiêu sản xuất bình thường”.

img_0178(1).jpg
Thành viên của HTX Hoàng Nguyên trồng hồ tiêu hữu cơ góp phần đưa mức phát thải ròng về “0”

HTX Công Bằng Thuận An ở huyện Đắk Mil từ năm 2012 đã định hướng nông dân khai thác lợi thế của vùng sản xuất cà phê theo hướng chất lượng cao.

Đến nay, HTX có 120 thành viên, liên kết trồng, chăm sóc trên 400ha cà phê đạt các tiêu chuẩn RA, hữu cơ quốc tế FLO-Fair Trade. Sản phẩm cà phê bột của đạt OCOP 4 sao…

Năm 2021, UBND tỉnh đã công nhận vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao của Đắk Mil, với tổng diện tích 335ha tại xã Thuận An. Đây cũng là vùng cà phê do các thành viên HTX Công Bằng Thuận An canh tác.

Chị Nguyễn Thị Minh Trí, thành viên HTX Công Bằng Thuận An, huyện Đắk Mil chia sẻ: “Trước đây, tôi sử dụng phân hóa học, thuốc hóa học chăm sóc cà phê thì ra vườn cảm thấy rất độc hại, không muốn làm. Từ khi tham gia làm nông nghiệp xanh với HTX, mỗi lúc ra rẫy lao động tôi cảm giác trong lãnh, dễ chịu. Tôi thấy giá trị khi cà phê tăng, luôn bán giá cao hơn sản phẩm thông thường. Đây là sự phấn khởi của nông dân khi làm nông nghiệp tử tế”.

Những năm qua, Liên minh HTX Đắk Nông đã định hướng cho các HTX tổ chức sản xuất theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch từ đó nâng cao giá trị sản phẩm. Nông nghiệp xanh tạo môi trường sống và môi trường làm việc, môi trường tiêu dùng khác biệt và cao hơn so với trước đây.

Ông Nguyễn Khải, Chủ tịch Liên minh HTX Đắk Nông

Lợi thế phát triển nông nghiệp xanh

Đắk Nông đang có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp xanh. Trong đó, tỉnh hiện có trên 309.397ha đất sản xuất nông nghiệp. Diện tích cây công nghiệp, cây lâu năm trên 235.200ha; cây hàng năm gần 74.000ha.

Tỉnh Đắk Nông cũng đã và đang từng bước triển khai phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, tuần hoàn, sinh thái.

img_1711(1).jpg
Người dân TP. Gia Nghĩa trồng rau hữu cơ trong nhà màng

Nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã được các tổ chức chứng nhận quốc tế và trong nước công nhận đạt các tiêu chuẩn như: GlobalGAp, Organic, RA, 4C, VietGAP… với diện khoảng 35.174ha. Trong đó, cà phê 28.923ha; hồ tiêu 3.154ha; điều 500ha; cây ăn quả 1.567ha, nhóm cây thực phẩm 1.030ha.

Đắk Nông có trên 1.293ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ước sản lượng 2.588 tấn. Trong đó, nhóm cây công nghiệp 1.683 tấn; nhóm cây ăn quả 653 tấn; nhóm cây thực phẩm 252 tấn.

Ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông cho biết: “Nông nghiệp được xác định là trụ cột trong phát triển kinh tế của Đắk Nông. Đắk Nông định hướng phát triển nền nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh”.

4.jpg

Ông Đông chia sẻ, những năm qua, tỉnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển nông nghiệp xanh. Trong đó, tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp xanh.

Tỉnh hỗ trợ các cá nhân, đơn vị về chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng; các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.

Đắk Nông đang xây dựng những giải pháp, tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, đưa kinh tế nông nghiệp phát triển.

img_0135(1).jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên tham quan gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của các nông dân, HTX

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên định hướng: Bên cạnh việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông nghiệp xanh của Trung ương thì tiến tới tỉnh nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù.

Muốn phát triển nông nghiệp xanh thì Đắk Nông phải có tính khác biệt đối với các vùng khác. Chúng ta phải thay đổi tri thức của người dân về kinh tế nông nghiệp tại Đắk Nông. HTX và công ty, doanh nghiệp phải làm “trụ đỡ” cho người nông dân.

img_0007(1).jpg
Nông dân ở Đắk Glong trồng bưởi VietGAP

Phát triển nông nghiệp xanh, kinh tế xanh là xu hướng tất yếu và yêu cầu bắt buộc trong sản xuất hàng hoá, hàng hoá xuất khẩu, hội nhập quốc tế trong giai đoạn tới.

Tại Hội nghị COP26 (tháng 12/2021), Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050; giảm phát thải khí methane toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010.

Cùng với cả nước, Đắk Nông đã và đang hiện thực hóa phát triển nông nghiệp xanh, góp phần thực hiện chiến lược khai thác tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam trong sản xuất nông nghiệp, khẳng định giá trị “trụ cột” về kinh tế của nông nghiệp.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đắk Nông nhập cuộc nông nghiệp xanh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO