Đắk Nông nhân rộng mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu
Các kịch bản của biến đổi khí hậu (BĐKH) cho thấy, nông nghiệp, nông thôn là khu vực dễ bị tổn thương nhất. Do đó, tỉnh Đắk Nông đã xây dựng các giải pháp, nhân rộng mô hình tích cực trong thích ứng với BĐKH.
Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), BĐKH tác động rất lớn đến canh tác nông nghiệp của người dân. Trong đó, hiện tượng El Nono gây hạn hán kéo dài, làm giảm 20 – 25% lượng mưa, từ đó làm thiếu nước trầm trọng đối với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên.
Nhiều hệ quả từ biến đổi khí hậu
Cũng theo WASI, sự thay đổi về phân bố lượng mưa ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng trong vòng 10 năm trở lại đây là rất rõ rệt. Tần suất xuất hiện mưa vào các tháng 12, tháng 1 khá phổ biến.
Điều này đã làm cho các loại cây trồng như điều, cà phê gặp trở ngại trong quá trình thụ phấn, tỷ lệ đậu quả thấp, làm giảm năng suất. Nhiều loại cây trồng khác cũng ảnh hưởng, mất mùa.
Những biến động của yếu tố thời tiết cũng khiến năng suất, sản lượng của cây trồng, vật nuôi bị giảm. Đồng thời, sức đề kháng của vật nuôi kém, các tác nhân gây bệnh phát sinh, gây ra nhiều dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.
Ngoài ra, sự thay đổi của thời tiết với xu hướng nóng lên làm cho sâu bệnh hại phát triển nhanh và khó dự báo. Cụ thể, bệnh rệp sáp, nấm hồng tấn công cây cà phê; bệnh chết nhanh chết, chậm trên cây tiêu; rầy nâu hại lúa; bọ xít muỗi hại điều, ca cao… làm thiệt hại đến năng suất, chất lượng sản phẩm.
Hơn thế nữa, sự nóng lên do bức xạ nhiệt làm cho nhu cầu nước của cây trồng cũng tăng lên. Do đó, yêu cầu về lượng nước tưới sẽ tăng lên trong khi nguồn nước ngày càng cạn kiệt. Đây là thách tức cho sản xuất nông nghiệp hiện nay và trong tương lai.
Xây dựng mô hình thích ứng tích cực
Trước thực tế đó, tỉnh Đắk Nông đã xây dựng nhiều mô hình tích cực để nhằm phòng bị, cải thiện những hậu quả có hại của BĐKH. Ngoài các biện pháp siết chặt công tác quản lý, bảo vệ rừng, đẩy mạnh trồng rừng, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi… được tỉnh chú trọng.
Trong đó, nông dân đã áp dụng các biện pháp tưới nước tiên tiến, tiết kiệm; áp dụng mô hình trồng xen canh, trồng cây che bóng… mang lại kết quả tích cực.
Gia đình ông Lê Đăng Thế, ở bon Đắk M’rê, xã Quảng Tân (Tuy Đức) có hơn 2 ha cà phê kết hợp trồng xen hồ tiêu, cây ăn trái. Năm 2020, gia đình ông Thế được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng để xây hồ chứa nước, khoan giếng và lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước cho 1 ha cà phê.
Theo ông Thế, những năm gần đây, hiện tượng nắng nóng diễn ra gây gắt. Nguy cơ thiếu nước tưới luôn thường trực mỗi khi mùa khô đến. Hai năm nay, khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước, nguồn nước tưới ổn định, nên cây trồng của ông sinh trưởng, phát triển tốt.
Ông Thế cho biết: "Tưới tiết kiệm giúp tôi hạn chế sử dụng lượng nước lớn cho mỗi lần tưới cà phê, hồ tiêu, giảm chi phí và làm tăng giá trị sản xuất cà phê. Đây là biện pháp phù hợp trong điều kiện BĐKH hiện nay”.
Còn tại HTX)Hồ tiêu hữu cơ Bình Tiến, xã Nam Bình (Đắk Song), nhiều thành viên HTX đã trồng xen canh cây mắc ca, sầu riêng vào vườn cà phê. Việc xen canh cây ăn quả giúp cây trồng thích ứng hơn trong điều kiện thời tiết cực đoan. Bởi trồng đa cây hợp lý, giúp sinh thái vườn hài hòa, cây thích nghi tốt hơn.
Theo lãnh đạo HTX Bình Tiến, hình thức canh tác của xã viên phổ biến là trồng xen các loại cây ăn quả trong vườn tiêu. Là HTX chuyên sản xuất tiêu hữu cơ, nên các thành viên đã thay thế phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật bằng phân vi sinh, sinh phẩm hữu cơ.
Đây là biện pháp sản xuất thân thiện với môi trường, giúp cây tăng sức đề kháng, chống chịu bệnh hại. Không những vậy, việc trồng xen, tạo cây che bóng còn giúp giữ độ ẩm, giảm được lượng nước tưới trong mùa khô.
Hiện nay, tại một số vườn xen canh tốt, năng suất hồ tiêu đạt trung bình từ 2 - 3 tấn/ha. Các loại cây ăn trái trồng xen cũng giúp các thành viên có thêm thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Dựa vào nội lực để ứng phó
Theo ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, mặc dù đạt được nhiều kết quả trong quá trình phát triển, nhưng chất lượng, tính bền vững và phương thức phát triển của nông nghiệp Đắk Nông vẫn còn nhiều hạn chế. Đáng chú ý là phát triển nông nghiệp vẫn còn dựa trên việc gia tăng diện tích, lạm dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu độc hại.
Ông Hồ Gấm cho rằng, cánh làm này đã làm tăng chi phí sản xuất, giảm khả năng cạnh tranh của nông sản và tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái. Hơn nữa, tình trạng BĐKH diễn biến ngày càng phức tạp sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh một cách mạnh mẽ hơn.
Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Quyết định số 835/QĐ-UBND, ngày 15/6/2021 về triển khai kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, tỉnh Đắk Nông với mục tiêu là giảm thiểu những tác động của BĐKH thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái.
Tỉnh thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với BĐKH vào hệ thống chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN- PTNT, tỉnh tập triển khai, nhân rộng các mô hình xen canh nông nghiệp phù hợp với điều kiện hạn hán, mô hình trồng trọt và chăn nuôi có khả năng thích ứng với BĐKH.
Đắk Nông tiển khai các hoạt động thích ứng với BĐKH trong lĩnh vực nông nghiệp như: nâng cao hiệu quả sử dụng đất, bố trí cơ cấu mùa vụ, cây trồng phù hợp với lợi của địa phương...
Đồng thời, tỉnh thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Đồng thời, phát triển, nhân rộng các giống cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả cao.
BĐKH là nguy cơ toàn cầu, do đó, cần phải dựa vào nội lực để ứng phó. “Mỗi người dân cần nếu cao tinh thần và có cách ứng xử tốt trong bảo vệ đất, bảo vệ nguồn nước đến thiên nhiên bằng hành động thiết thực ngay từ hôm nay và cho thế hệ mai sau”, ông Phạm Tuấn Anh cho biết thêm.