Đắk Nông nghiên cứu công nghệ chế biến bơ thành mỹ phẩm
Đắk Nông nghiên cứu ứng dụng công nghệ lên men để chiết xuất quả bơ thành những sản phẩm như kem bảo vệ da, mặt nạ làm sáng da, lotion chống rụng tóc, son dưỡng môi...
Sáng 24/10, Sở KH-CN Đắk Nông phối hợp với Viện Sinh học nhiệt đới (Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Ứng dụng công nghệ lên men thu nhận dầu và tạo một số sản phẩm mỹ phẩm từ thịt quả bơ trồng tại tỉnh Đắk Nông”.
Đắk Nông hiện là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng bơ lớn của cả nước, với diện tích gần 2.600 ha và năng suất bình quân từ 10-15 tấn/ha. Bơ được trồng tập trung ở các huyện: Đắk Mil, Đắk R’lấp, Đắk Song, Đắk Glong và TP. Gia Nghĩa.
Đắk Nông hiện trồng được nhiều giống bơ cho trái quanh năm, từ tháng 1-11 hằng năm. Bơ Đắk Nông có độ dẻo, màu vàng sậm, mẫu mã đẹp và chín kéo dài so với bơ các địa phương khác. Đây là cây ăn trái có giá trị dinh dưỡng cao, giàu năng lượng, chứa khoảng 25 loại vitamin và khoáng chất tự nhiên có lợi cho sức khỏe...
Mặc dù có lợi thế lớn, nhưng giá trị hàng hóa bơ của Đắk Nông còn thấp do chưa tạo các sản phẩm từ bơ, chưa xây dựng được chuỗi liên kết bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Đề tài đã xây dựng được quy trình công nghệ trích ly dầu từ trái bơ bằng phương pháp enzyme đạt tiêu chuẩn dầu tinh khiết, với hiệu suất thu hồi dầu đạt 73%; quy trình sản xuất bột bơ loại béo cũng như bột dinh dưỡng từ cơ sở bột trái bơ sau khi trích ly dầu, với hàm lượng chất xơ đạt 6,15%.
Tuy chỉ mới thực hiện ở quy mô phòng thí nghiệm, nhưng đề tài đã xác định được hầu hết các thông số công nghệ tối ưu cần thiết để triển khai thực hiện ở quy mô lớn hơn; xác định quy trình công nghệ sơ chế nguyên liệu ép là thịt quả bơ sấy khô ở độ ẩm 30%.
Đề tài do Sở KH-CN Đắk Nông đặt hàng, nhằm góp phần đa dạng hóa sản phẩm và tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm bơ. Đề tài do Thạc sĩ Trịnh Thị Bền làm chủ nhiệm và Viện Sinh học nhiệt đới là đơn vị chủ trì thực hiện từ tháng 5/2021-10/2023.