Kinh tế

Đắk Nông nâng cao giá trị kinh tế từ công nghiệp nông thôn

Lê Dung 18/03/2024 10:27

Các sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) của Đắk Nông ngày càng phát huy hiệu quả, từng bước khẳng định thương hiệu đặc trưng trên thị trường, mang lại giá trị kinh tế cho người dân.

ADQuảng cáo
img_1591.jpg
Sản phẩm rượu nấm linh chi của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Toàn, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông)

Tiêu thụ nguyên liệu tại chỗ

Nấm linh chi của Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Toàn, xã Nhân Cơ, (Đắk R’lấp) là một trong số các sản phẩm CNNT tiêu biểu của Đắk Nông. Sản phẩm được đánh giá cao về chất lượng và tính thân thiện với môi trường. Bà Nguyễn Thị Toàn, chủ cơ sở chia sẻ, sản phẩm này khá dễ trồng. Nguyên liệu sản xuất dồi dào, rất gần gũi với địa phương, chủ yếu là mùn cưa của cây cao su, bột gạo, bột bắp…

Nguồn dinh dưỡng cho nấm hoàn toàn từ tự nhiên, không bổ sung bất kỳ phụ gia. Do vậy, sản phẩm nấm linh chi được đánh giá có chất lượng cao, dược tính tương đương nấm mọc trong tự nhiên.

img_1545.jpg
Sản phẩm nấm linh chi của Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Toàn, xã Nhân Cơ, (Đắk R’lấp) được đánh giá cao về chất lượng

Được sự động viên, hỗ trợ, những năm qua, cơ sở đã đầu tư làm nhà xưởng và mua một số máy móc hiện đại phục vụ sản xuất như: dây chuyền máy hấp, sấy tiệt trùng, máy thái lát, hút chân không. Cơ sở đã hoàn thiện các phòng cấy, ươm sợi và nhà xưởng nuôi dưỡng đáp ứng các điều kiện về nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm… Bình quân mỗi năm, cơ sở cung ứng ra thị trường khoảng 2 tấn nấm linh chi tươi, tương ứng với gần 500kg nấm khô. Giá bán khoảng tầm 800.000 đồng/kg.

img_0465.jpg
Trái cây sấy thăng hoa của Công ty TNHH Thương mại, xuất nhập khẩu mắc ca sachi Thịnh Phát, TP. Gia Nghĩa

Tương tự, sau khi sản phẩm mắc ca sấy được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu đã sớm tạo cơ sở cho sự ra đời của hàng loạt sản phẩm mới tại Công ty TNHH Thương mại, xuất nhập khẩu mắc ca sachi Thịnh Phát, TP. Gia Nghĩa.

ADQuảng cáo

Từ những máy móc, thiết bị có công suất nhỏ, thô sơ, giờ đây, doanh nghiệp đã hoàn thiện riêng một quy trình công nghệ chế biến sâu cho các loại nông sản. Mới đây, doanh nghiệp được quỹ khuyến công hỗ trợ 300 triệu đồng để mua máy sấy thăng hoa, có công suất 50kg/mẻ. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hương cho hay: “Với máy sấy này, công ty có thể sấy được tất cả các loại trái cây khác nhau, bao gồm: sầu riêng, măng cụt, mít, tiêu, thanh long, xoài…”.

Việc doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả đã giúp tiêu thụ số lượng lớn nông sản quanh vùng cho bà con. Ngoài máy móc, kho chứa nguyên liệu cũng được đơn vị thường xuyên đầu tư, làm mới. Nhờ đó, giá nông sản luôn ổn định. Bà con không còn lo lắng về đầu ra khi quyết tâm theo đuổi cho bất kỳ loại cây trồng nào.

Tăng hàm lượng công nghệ

Điều không thể phủ nhận đó là, các cơ sở CNNT sớm hình thành, phát triển đã tạo đầu ra vững chắc cho bà con trên địa bàn. Đồng thời, giúp mang lại giá trị kinh tế mới cho người dân, doanh nghiệp khu vực nông thôn tại Đắk Nông.

Rượu là một trong hai sản phẩm được sản xuất từ nấm linh chi của Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Toàn, xã Nhân Cơ, (Đắk R’lấp)
Rượu là một trong hai sản phẩm được sản xuất từ nấm linh chi của Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Toàn, xã Nhân Cơ

Đắk Nông đã tổ chức được 7 đợt bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu, với tổng 84 sản phẩm được công nhận cấp tỉnh, 17 sản phẩm được Cục Công thương địa phương công nhận đạt sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực và 7 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia.

Trong giai đoạn này, nhiều cơ sở CNNT đạt chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu của Đắk Nông đã được hỗ trợ kinh phí khuyến công để phát triển. Các nội dung hỗ trợ được ưu tiên như: hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất; hỗ trợ tham gia các hội chợ, tìm kiếm phát triển thị trường cho sản phẩm... Từ nguồn lực này đã góp phần tăng năng suất, doanh thu của cơ sở và thu nhập của người lao động, với thu nhập bình quân từ 4 - 6 triệu đồng/tháng.

Theo Sở Công thương, thông qua hoạt động khuyến công đã kịp thời khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở CNNT trong việc đào tạo nghề, truyền nghề hoặc nâng cao năng lực quản lý, xây dựng chiến lược kinh doanh, marketing. Nhiều cơ sở đã xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

img_0556.jpg
Nguồn lực khuyến công năm 2024 sẽ ưu tiên cho hỗ trợ đầu tư công nghệ phục vụ chế biến nông sản

Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công thương Nguyễn Thanh Tòng cho biết, trong năm 2024, ngành Công thương tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ cơ sở CNNT phát triển. Trong đó, nguồn lực khuyến công sẽ ưu tiên hỗ trợ cho các lĩnh vực có thế mạnh như chế biến nông sản. Những cơ sở hưởng lợi sẽ là những đơn vị có sản phẩm đạt các chứng nhận về chất lượng, có năng lực sản xuất tốt. Từ đó nhanh chóng mở rộng quy mô, thị trường, tăng tốc đưa sản phẩm của Đắk Nông vươn xa.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông nâng cao giá trị kinh tế từ công nghiệp nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO