Giáo dục - Đào tạo

Đắk Nông nâng cao chất lượng giáo dục

PV 24/12/2024 09:28

Ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng ở các bậc học, tạo đà để nâng cao chất lượng giáo giáo dục bền vững.

1(2).png

Tiểu học, mầm non phát triển toàn diện

Những năm gần đây, giáo dục mầm non và tiểu học tại Đắk Nông luôn hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện cho học sinh. Các cơ sở giáo dục mầm non đã triển khai đồng bộ giải pháp nâng cao chất lượng, tập trung vào việc nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em theo hướng phát triển toàn diện cả về thể chất, tinh thần, thẩm mỹ, ngôn ngữ và kỹ năng tình cảm xã hội.

Tại Trường mầm non Họa Mi, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa, với 45% học sinh là con em dân tộc thiểu số, nhà trường đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

5(1).png
Giáo dục mầm non và tiểu học tại Đắk Nông luôn hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện cho học sinh

Cô Nguyễn Thị Vân Anh, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Họa Mi chia sẻ: “Chúng tôi đã áp dụng các chương trình giáo dục mới và chú trọng vào việc tạo môi trường học tập thân thiện, thu hút trẻ đến trường. Cùng với đó, nhà trường đã triển khai các giải pháp xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích và bạo hành trẻ em… Chất lượng bữa ăn được quản lý chặt chẽ, bảo đảm dinh dưỡng cân đối, an toàn thực phẩm, phù hợp với từng trẻ, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm”.

Không chỉ riêng Trường mầm non Họa Mi, tất cả các trường mầm non, nhất là các trường vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số đều nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc và nuôi dạy trẻ. Nhờ đó, tỷ lệ trẻ ăn bán trú trên toàn tỉnh đã đạt trên 92%, trong đó 100% trẻ 5 tuổi được chăm sóc và học tập trong môi trường giáo dục bảo đảm.

Đáng chú ý, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi nhà trẻ đến trường đạt trên 17%, trẻ mẫu giáo đạt trên 85% và trẻ 5-6 tuổi đạt trên 99%. Đây là những con số tích cực, cho thấy sự nỗ lực của toàn ngành trong việc huy động và duy trì sĩ số học sinh.

Giáo viên Trường Mầm non Hoa Hồng, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức tổ chức phiên chợ trải nghiệm thực tế đã tạo được sự hứng thú đối với trẻ
Giáo viên Trường Mầm non Hoa Hồng, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức tổ chức phiên chợ trải nghiệm thực tế đã tạo được sự hứng thú đối với trẻ

Giáo dục tiểu học ghi nhận nhiều tiến bộ đáng kể. Các trường tiểu học trong tỉnh triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, chú trọng phát triển kỹ năng học tập và năng lực thực hành cho học sinh.

Tỷ lệ học sinh có kết quả đánh giá hoàn thành chương trình lớp học đạt 97%, đồng thời các trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho trên 82% học sinh từ lớp 1 đến lớp 4. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn góp phần giảm bớt áp lực học tập cho học sinh và phụ huynh.

Trường mầm non Sơn Ca ở phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa từ chỗ chỉ có 4 phòng học tạm nay đã có cơ sở khang trang
Trường mầm non Sơn Ca ở phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa từ chỗ chỉ có 4 phòng học tạm nay đã có cơ sở khang trang

Năm học 2023-2024 chứng kiến sự cải thiện rõ rệt về cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non và tiểu học. Toàn tỉnh hiện có 208 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 65,3%, tăng 18 trường so với năm học trước. Đây là thành quả của những nỗ lực không ngừng trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, góp phần tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh học tập và phát triển toàn diện.

Đổi mới phương pháp dạy học

Đổi mới phương pháp dạy học được các nhà trường xem là nhiệm vụ chủ đạo góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Một trong những điểm sáng của giáo dục phổ thông Đắk Nông trong những năm qua chính là sự đổi mới mạnh mẽ trong phương pháp dạy học và đánh giá học sinh.

Việc đổi mới giúp phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của học sinh. Các em không chỉ tiếp thu kiến thức một cách thụ động mà còn được khuyến khích tư duy phản biện, giải quyết vấn đề qua các hoạt động thực tiễn, trải nghiệm sáng tạo. Điều này giúp học sinh rèn luyện kỹ năng tự học và tự nghiên cứu, nâng cao khả năng vận dụng kiến thức vào đời sống.

Bên cạnh đó, đổi mới phương pháp dạy học tạo môi trường học tập linh hoạt và đa dạng hơn. Giáo viên áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy hiện đại như dạy học tích hợp, liên môn, kết hợp công nghệ thông tin và phương pháp truyền thống, giúp bài giảng trở nên sinh động, gần gũi với học sinh. Qua đó, học sinh được phát triển toàn diện, không chỉ về kiến thức mà còn về kỹ năng xã hội, tư duy sáng tạo.

Tại các trường THCS và THPT, chương trình dạy học theo hướng tích hợp và liên môn đã được triển khai hiệu quả. Đây là một phần quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục, giúp học sinh tiếp cận kiến thức theo cách linh hoạt hơn và có khả năng vận dụng vào thực tiễn cuộc sống. Kết quả, tỷ lệ học sinh đạt thành tích cao trong học tập tiếp tục tăng.

4-1-.png
Ngành giáo dục Đắk Nông đã triển khai hiệu quả Đề án dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2018-2025

Bậc THCS có gần 50% học sinh được đánh giá kết quả học tập loại tốt, giỏi và khá. Tỷ lệ công nhận tốt nghiệp THCS đạt 99,71%, cho thấy sự tiến bộ vượt bậc trong chất lượng giáo dục.

Ở bậc THPT, tỷ lệ tốt nghiệp năm 2024 đạt 98,65%, cao hơn năm 2023 là 1,15%. Đặc biệt, có 15/34 trường đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100%, tăng 7 trường so với năm 2023. Điểm trung bình của kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng có sự cải thiện, đạt 6,25 điểm, cao hơn năm học 2023.

img_5019-1-.jpg
Hiện nay, 66,1% học sinh tiểu học và toàn bộ học sinh các cấp THCS, THPT trong tỉnh đều được học tiếng Anh theo chương trình hiện hành

Ngành Giáo dục Đắk Nông đã triển khai hiệu quả Đề án dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2018-2025, mang đến cơ hội tiếp cận và nâng cao kỹ năng tiếng Anh cho đông đảo học sinh. Hiện nay, 66,1% học sinh tiểu học và toàn bộ học sinh các cấp THCS, THPT trong tỉnh đều được học tiếng Anh theo chương trình hiện hành.

Em Võ Hồng Phúc (bân trái) cùng bạn Đỗ Thị Phương, học sinh lớp 7A1, Trường THCS Trần Phú, phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa làm bài thuyết trình dự thi tìm hiểu về Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông bằng tiếng Anh
Học sinh Đắk Nông bài thuyết trình về Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông bằng tiếng Anh

Bên cạnh đó, môn Tin học được phổ cập rộng rãi, với 43,4% học sinh tiểu học và toàn bộ học sinh THCS, THPT được tiếp cận kiến thức công nghệ thông tin.

Những bước tiến này đã mở ra nhiều cơ hội để học sinh Đắk Nông phát triển toàn diện về kỹ năng ngôn ngữ và công nghệ, từ đó đáp ứng tốt hơn yêu cầu hội nhập trong thời kỳ toàn cầu hóa.

Hướng tới phát triển bền vững

Giáo dục học sinh dân tộc thiểu số luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông nên đã có nhiều chuyển biến tích cực, với tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đạt trên 98%. Đặc biệt, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi là người dân tộc thiểu số đến lớp đạt 99%, góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí và phát triển nguồn nhân lực tại các vùng sâu, vùng xa.

img_3888.jpg
Giáo dục học sinh dân tộc thiểu số luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục tỉnh Đắk Nông

Tỷ lệ bỏ học trong học sinh dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa đã giảm đáng kể. Điều này, không chỉ nhờ vào những nỗ lực của ngành Giáo dục trong việc cải thiện điều kiện học tập mà còn là kết quả của sự quan tâm từ phía chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội.

Các trường dân tộc nội trú đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc duy trì sĩ số học sinh. Riêng trong năm học 2023-2024, có 7/8 trường DTNT đạt tỷ lệ tốt nghiệp THPT 100%, cho thấy sự phát triển vượt bậc trong chất lượng giáo dục dành cho học sinh dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi đạt được nhiều thành tích đáng kể. Năm học 2023 - 2024, tỉnh Đắk Nông có 23 học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, trong đó có 1 giải nhì và 7 giải ba, tăng 11 giải so với năm trước.

Nhờ sự tận tâm của giáo viên, em Nguyễn Anh Dũng, cựu học sinh Chuyên Tin, Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh đoạt giải nhì học sinh quốc gia năm 202- 2024. Em Dũng lọt vào Đội tuyển thi học sinh giỏi khu vực Châu Á-Thái Bình Dương
Em Nguyễn Anh Dũng, cựu học sinh Chuyên Tin, Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh đoạt giải nhì học sinh quốc gia năm 2023- 2024. Em Dũng lọt vào Đội tuyển thi học sinh giỏi khu vực Châu Á-Thái Bình Dương

Đặc biệt, lần đầu tiên tỉnh Đắk Nông có một học sinh môn Tin học được chọn vào đội tuyển quốc gia, xếp thứ 3/38 thí sinh tham dự kỳ thi Olympic khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đây là thành tích đáng tự hào, khẳng định vị trí của giáo dục Đắk Nông trong hệ thống giáo dục cả nước.

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông, nhờ sự đồng lòng, nỗ lực của toàn ngành cùng sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, chất lượng giáo dục ở mọi cấp học không ngừng được nâng cao, mở ra triển vọng lớn cho năm học tiếp theo.

Phan Thanh Hải

Trong thời gian tới, ngành Giáo dục tỉnh tập trung vào việc tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học, đặc biệt là triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các trường chú trọng phát triển toàn diện cho học sinh, không chỉ về kiến thức mà còn về kỹ năng sống, kỹ năng xã hội, bảo đảm mỗi học sinh đều có thể tự tin và sáng tạo trong học tập cũng như cuộc sống.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập, mở rộng quy mô dạy và học ngoại ngữ nhằm trang bị cho học sinh những công cụ thiết yếu trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục tiếp tục huy động, lồng ghép nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên để đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho việc học tập và giảng dạy, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

6.png
Chất lượng giáo dục ở mọi cấp học không ngừng được nâng cao, mở ra triển vọng lớn cho năm học tiếp theo

Nội dung: Nguyễn Hiền
Trình bày: Dương Phong

Đọc tiếp

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đắk Nông nâng cao chất lượng giáo dục
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO