Kinh tế

Đắk Nông nâng cao chất lượng cà phê từ khâu thu hoạch

Kim Ngân 30/11/2023 05:30

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và nông dân Đắk Nông đã chú trọng khâu thu hoạch, sơ chế để nâng cao chất lượng sản phẩm.

img_6247-1-.jpg
Sơ chế cà phê honey tại HTX Nông lâm nghiệp Đắk Mil, xã Đức Minh (Đắk Mil)

Thời gian thu hoạch cà phê trên địa bàn tỉnh kéo dài từ nay đến tháng 1 năm 2024. Hiện nay, cà phê tại nhiều vườn đã chín rộ. Những vườn có tỷ lệ quả chín cao, bà con tập trung thu hái, giúp cây ra hoa đồng loạt vào vụ sau.

Gia đình ông Đặng Văn Tư, thôn Thuận Bắc, xã Thuận An (Đắk Mil) có hơn 1,6 ha cà phê. Những ngày qua, gia đình ông chuẩn bị đầy đủ phương tiện, nhân công để tiến hành thu hoạch cà phê đợt một.

Ông Tư cho biết: “Vài ngày tới tôi bắt đầu thu hoạch sơ. Sau đó đợi vườn cà phê chín trên 90% sẽ thu hoạch đồng loạt. Thu hái cà phê có tỷ lệ quả chín cao sẽ bảo đảm về mặt chất lượng, giá bán”.

Còn gia đình ông Hồ Văn Hoan, xã Đắk Lao (Đắk Mil), có 4 ha cà phê. Ông Hoan đã áp dụng biện pháp sản xuất cà phê thuần hữu cơ. Ông đầu tư thiết bị sơ chế, tạo ra sản phẩm cà phê chất lượng cao, giúp nâng cao thu nhập.

Ông Hoan cho hay: “Để làm ra được hạt cà phê chất lượng tốt, khâu thu hoạch đóng vai trò rất quan trọng. Cà phê được tuyển lựa, loại bỏ hạt xanh, non; tiến hành rửa sạch để bảo đảm đồng chất, đồng vị”.

Theo ông Hoan, trong khâu sơ chế cà phê phải kiểm soát chặt chẽ nhiều khâu, nhất là nấm mốc. Từ đó, mới có được sản phẩm tốt nhất đến với người tiêu dùng.

Còn tại HTX Nông nghiệp Công bằng Thuận An, vụ mùa năm nay, HTX tiếp tục đẩy mạnh các chính sách khuyến khích các hộ thành viên sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn chứng nhận.

Theo ông Võ Quyết, Phó Giám đốc HTX, để nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê, HTX cũng yêu cầu hộ thành viên hái cà phê chín khoảng từ 80 – 90%. HTX có chính sách cộng thêm 200 đồng/kg cà phê tươi nhằm khuyến khích bà con chăm sóc, thu hoạch đúng tiêu chuẩn để chế biến cà phê chất lượng cao.

img_6646-1-.jpg
Gia đình ông Hồ Văn Hoan, xã Đắk Lao (Đắk Mil), thu hái cà phê đạt tỷ lệ quả chín trên 90%

Ông Quyết chia sẻ: “Đối với cà phê nhân xô, HTX kết hợp với Công ty TNHH Dakman (Đắk Lắk) xuất khẩu ra thị trường thế giới. Còn cà phê chế biến ướt, HTX chủ yếu cung cấp cho các nhà rang xay trong nước”.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đắk Mil cho biết, toàn huyện có hơn 21.200 ha cà phê, chiếm hơn 62% tổng diện tích cây lâu năm trên địa bàn. Sản lượng cà phê hàng năm của huyện đạt 47.750 tấn.

Để nâng cao chất lượng cà phê, huyện Đắk Mil đã đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân chú trọng bảo đảm kỹ thuật khâu thu hoạch, bảo quản, sơ chế. Huyện đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất, ứng dụng mô hình liên kết trồng cà phê theo chuỗi giá trị.

Trên địa bàn Đắk Mil hiện có 57 doanh nghiệp, HTX, cơ sở thu mua, sơ chế cà phê nhân; 17 cơ sở rang xay, chế biến cà phê, với công suất 1,5 tấn/ngày. Huyện đang có 3 HTX liên kết với 1.220 nông hộ tham gia sản xuất cà phê bền vững theo các tiêu chuẩn VietGAP, UTZ, 4C, Fretray… với tổng diện tích 1.503 ha.

Theo Chi cục Phát triển nông nghiệp, Đắk Nông hiện có 140.000 ha cà phê. Trong đó, có khoảng 125.000 đang cho thu hoạch, sản lượng ước đạt trên 400.000 tấn/năm.

dsc_2085(1).jpg
HTX Nông nghiệp Công bằng Thuận An sử dụng máy bắn màu để tuyển lựa cà phê

Cà phê hiện đang là loại cây tạo sinh kế cho 150.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh. Năm 2023, nhiều vùng sản xuất cà phê đạt năng suất cao như: Đắk Mil, Đắk Song, Đắk R’lấp...

Ông Nguyễn Thiện Chân, Phó Chi cục Phát triển nông nghiệp cho biết, đối với cà phê chất lượng cao, bà con cần hái vụ chính có chọn lọc, tỷ lệ quả chín phải đạt trên 90%. Nguyên liệu cà phê bảo đảm chất lượng sẽ được các nhà sản xuất đưa vào chế biến thành sản phẩm honey, natural, đặc sản…

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đắk Nông nâng cao chất lượng cà phê từ khâu thu hoạch
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO