Đắk Nông nắm bắt tình hình không để hình thành "điểm nóng" trước đại hội
Một trong những yêu cầu trong công tác tổ chức đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2025 - 2030 là tăng cường nắm bắt tình hình Nhân dân, chủ động đấu tranh, phản bác lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Chủ động từ sớm, từ xa
Kế hoạch số 165-KH/TU về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu, trong quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội phải thường xuyên làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, nhất là thông tin tuyên truyền, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất cao; lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy “cái đẹp dẹp cái xấu”.
Đồng thời, coi trọng, tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh... của địa phương, cơ quan, đơn vị gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước.
Cấp ủy, các cấp, ngành, địa phương cần tập trung giải quyết, xử lý kịp thời, có hiệu quả những hạn chế, bất cập, yếu kém, những vấn đề tồn đọng kéo dài gây bức xúc mà dư luận, cán bộ, đảng viên, Nhân dân quan tâm.
Ngoài ra, cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp, ngành, địa phương cần chủ động, tích cực, có biện pháp đấu tranh hiệu quả đối với những âm mưu, thủ đoạn phá hoại, gây rối nội bộ của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, bất mãn để bảo vệ nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng, bảo vệ chế độ.
Liên quan đến vấn đề này, tại Hội nghị Giao ban công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở 6 tháng đầu năm 2024, đồng chí Bùi Huy Thành, UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng, công tác nắm bắt tình hình Nhân dân, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước, trong và sau đại hội đảng các cấp rất quan trọng. Do đó, các địa phương cần phải chủ động từ sớm, từ xa, tăng cường nắm tình hình Nhân dân, định hướng dư luận xã hội.
Công tác đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, kịp thời định hướng dư luận trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân… cần được chú trọng.
“Các cấp, ngành, đơn vị, địa phương cần theo dõi nắm bắt địa bàn, giải quyết những vấn đề bức xúc trong Nhân dân; kiểm soát tốt thông tin trên mạng xã hội, định hướng thông tin, dư luận xã hội. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền các văn bản của Đảng, duy trì hoạt động hiệu quả ban chỉ đạo 35 cấp huyện và phối hợp Ban Chỉ đạo 35 tỉnh trong giải quyết các vấn đề nổi cộm của địa phương, nắm chắc tình hình trong Nhân dân”, đồng chí Bùi Huy Thành yêu cầu.
Phát huy vai trò của Nhân dân
Theo Ban Nội chính Tỉnh ủy, để chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp diễn ra thành công, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là xung quanh các sự kiện trọng đại của đất nước, của tỉnh, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm. Đồng thời, chú trọng quản lý chặt chẽ địa bàn cơ sở, nắm chắc tình hình, nhận định, dự báo, đánh giá đúng, phát hiện sớm, xử lý kịp thời những vụ việc phát sinh, không để hình thành “điểm nóng” về an ninh, chính trị.
Các cấp, ngành, địa phương chủ động, tăng cường nắm bắt, phân tích, đánh giá, dự báo đúng, kịp thời, chính xác tình hình Nhân dân để có biện pháp giải quyết, xử lý các vấn đề phức tạp nảy sinh, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Công tác nắm tình hình Nhân dân không chỉ là nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp, ngành, địa phương mà còn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
Phương pháp thực hiện linh hoạt, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; đồng thời sử dụng có hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, tạo nhiều kênh thông tin để nắm bắt. Việc nắm tình hình Nhân dân đòi hỏi phải toàn diện, cụ thể, trong đó chú trọng lựa chọn những vấn đề nóng, bức xúc, tồn tại kéo dài chưa xử lý dứt điểm, được nhiều người dân và cử tri, già làng, người uy tín có ý kiến, kiến nghị, phản ánh.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm trả lời rõ ràng các ý kiến, kiến nghị, phản ánh của người dân và kịp thời giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, việc phát huy vai trò của già làng, người có uy tín, lực lượng cốt cán trong nắm tình hình Nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số rất quan trọng.
Việc đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phương pháp tuyên truyền, vận động, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cần được chú trọng.
Cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt các quy định về dân chủ ở cơ sở; tiếp công dân, tăng cường gặp gỡ, đối thoại với Nhân dân; chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề kiến nghị chính đáng, hợp pháp của Nhân dân. Các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nhất là đối với địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số cần được quan tâm.
MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội kịp thời tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và các tầng lớp Nhân dân để phản ánh, kiến nghị với cấp ủy, HĐND, UBND và tham mưu, đề xuất giải pháp giải quyết; thông tin cho Nhân dân biết kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng để tạo sự đồng thuận, thống nhất, bảo đảm ổn định tình hình dân cư, xã hội.
“Nắm chắc, nắm đúng, nắm khách quan tình hình Nhân dân để phản ánh và tham mưu kịp thời cho cấp ủy đảng lãnh đạo là trách nhiệm của dân vận, mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội. Qua đó, góp phần không nhỏ vào công tác chuẩn bị đại hội đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng”, đồng chí Hà Thị Hạnh nhấn mạnh.