Đắk Nông mời gọi Ấn Độ hợp tác xây dựng đường sắt
Trong buổi làm việc tại Ấn Độ vào chiều 20/12, Đoàn công tác tỉnh Đắk Nông do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên dẫn đầu đã mời gọi phía đối tác hợp tác xây dựng đường sắt.
Chiều 20/12, Đoàn công tác tỉnh Đắk Nông đã có buổi làm việc với Đường sắt bờ Đông, thuộc Bộ Đường sắt Ấn Độ. Phía Đắk Nông đã mời gọi các đối tác Ấn Độ sang thăm, nghiên cứu, hợp tác đầu tư tuyến đường sắt kết nối các tỉnh Tây Nguyên (Đà Nẵng - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước), với chiều dài 555km. Trong đó, ưu tiên nghiên cứu hợp tác đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Đắk Nông - Chơn Thành, với chiều dài 67km.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên thông tin với Đường sắt bờ Đông về vị trí địa lý, một số dự án hạ tầng giao thông sẽ thực hiện trong thời gian tới.
Hiện Đắk Nông chỉ có duy nhất một phương thức vận tải là đường bộ, nếu hệ thống đường sắt được xây dựng sẽ góp phần đẩy mạnh giao thương giữa Tây Nguyên với vùng Duyên hải miền Trung Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông trao đổi về chi phí đầu tư, kỹ thuật xây dựng đường sắt hiện nay mà đối tác Ấn Độ đang thực hiện. Từ đó, tham khảo, làm cơ sở tham mưu cho các bộ, ngành Trung ương nếu đối tác đồng ý triển khai trong giai đoạn tới.
Trong Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 1/11/2021 có Dự án Xây dựng tuyến đường sắt Đắk Nông - Chơn Thành (Bình Phước). Dự án này kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021-2025.
Đường sắt bờ Đông giới thiệu với Đoàn công tác tỉnh Đắk Nông về lịch sử của ngành đường sắt Ấn Độ, những thành tựu đã đạt được. Đường sắt được du nhập vào Ấn Độ năm 1853.
Đến thời điểm Ấn Độ giành được độc lập (năm 1947), quốc gia này đã có 44 hệ thống đường sắt. Năm 1951, các hệ thống này đã được quốc hữu hóa vào một đơn vị - Indian Railways. Từ đó, tạo thành một trong những mạng lưới đường sắt lớn nhất thế giới, vận chuyển hơn 5 tỷ lượt khách, hơn 350 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Hoạt động của mạng lưới đường sắt này bao phủ khắp 25 bang và 3 lãnh thổ liên hiệp Ấn Độ. Mạng lưới này cũng kết nối với các nước láng giềng như Nepal, Bangladesh và Pakistan.