Đắk Nông mạnh tay xử lý vi phạm thương mại điện tử
Các giải pháp ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng được Đắk Nông triển khai mạnh mẽ thời gian tới.
Chiều 6/1, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tỉnh Đắk Nông (BCĐ 389) chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
Trong năm 2024, hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn ổn định. Lượng hàng hóa được cung ứng đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, tình trạng buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm xuất xứ, nhãn hàng hóa và gian lận thương mại vẫn xảy ra với quy mô nhỏ lẻ.
Đáng chú ý, phương thức thủ đoạn gian lận thương mại của các đối tượng ngày càng tinh vi hơn. Có những biểu hiện che giấu sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng như: ứng dụng dịch vụ bán hàng online qua các trang mạng xã hội; vận chuyển hàng trên xe chuyển phát nhanh… Do đó, rất khó khăn cho các lực lượng chức năng trong hoạt động kiểm tra, bắt giữ và xử lý.
Hoạt động của tội phạm ma túy trên địa bàn vẫn diễn ra với các phương thức thủ đoạn tinh vi, kín đáo, khó phát hiện. Các đối tượng thường sử dụng các mạng xã hội, điện thoại để liên lạc, thay đổi địa điểm trao đổi mua bán ma túy.
Trong năm 2024, các lực lượng thuộc BCĐ 389 đã phát hiện, bắt giữ 1.995 vụ/2.154 đối tượng. Trong đó, xử lý hình sự: 230 vụ; xử lý hành chính: 1.753 vụ; thu nộp ngân sách nhà nước với tổng số tiền là 35,7 tỷ đồng; chuyển cơ quan khác: 6 vụ; đang xác minh, làm rõ: 6 vụ.
Tại hội nghị, các thành viên BCĐ 389 của tỉnh đã cùng thảo luận một số nội dung nổi trội như: kiểm tra hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử; công tác phối hợp thanh, kiểm tra trong lĩnh vực nông nghiệp; chi phí lấy mẫu hàng hóa lớn; vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm…
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh nhấn mạnh, thị trường hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng tinh vi, phức tạp. Vì vậy, vấn đề quản lý Nhà nước cần phải chủ động, có giải pháp thích ứng kịp thời và xử lý nghiêm, bảo vệ người tiêu dùng.
Thời gian tới, các cấp, ngành cần tiếp tục nâng cao sự phối hợp, đưa ra các định hướng, phương pháp kiểm tra, xử lý kịp thời đối với những vấn đề nổi cộm, phát sinh, nhất trên môi trường thương mại điện tử.
Đặc biệt, các ngành, địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác thanh, kiểm tra trong đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2025.
Trong đó, giữ vững ổn định thị trường, ngăn chặn xử lý nghiêm hoạt động vận chuyển, mua bán các chất ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu, bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát nhập lậu…
“Các đơn vị phải tăng cường kiểm tra hàng hóa thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, kịp phát hiện và xử lý nghiêm sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng và tình trạng găm hàng, tăng giá phân bón”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh lưu ý.
Trong năm, Tổ thương mại điện tử của tỉnh đã kiểm tra, vi phạm và xử lý là 37 vụ vi phạm về thương mại điện tử, với tổng số tiền xử phạt thu nộp ngân sách Nhà nước là 242,5 triệu đồng. Hàng hóa vi phạm buộc tiêu hủy chủ yếu là quần áo, mỹ phẩm, kem đánh răng...