Đắk Nông lo ngại diện tích cà phê tăng nhanh
Giá cà phê nhân liên tục tăng cao, nên nhiều người dân ở Đắk Nông đã mở rộng diện tích loại cây trồng này, đe dọa mất cân đối sản xuất, cung cầu.
Năm 2023-2024, giá cà phê nhân liên tục tăng cao, đạt mức kỷ lục trong vòng 20 năm qua nên nhiều người dân đã trồng mới, tái canh cà phê. Điều này có thể dẫn đến việc tăng nóng, ảnh hưởng đến cơ cấu cây trồng chủ lực này của tỉnh.
Gia đình bà Trần Thị Bình, thôn 10, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song mới xuống giống 3ha cà phê. Theo bà Bình, phần đất trồng mới cà phê trước đây được bà trồng cao su.
Nhưng cây cao su đã già cỗi, sản lượng mủ đạt thấp, giá mủ tươi không cao nên gia đình đã chuyển đổi sang cây trồng mới cà phê.
Bà Bình cho rằng, những năm gần đây, giá cà phê nhân tương đối ổn định. Đặc biệt hai năm 2023 - 2024, giá cà phê tăng cao mức kỷ lục trong vòng hàng chục năm qua, đạt trên 100.000 đồng/kg. Do đó, gia đình đã quyết định trồng mới cà phê nhằm nâng cao thu nhập.
Với 3ha đất, bà Bình phải bỏ ra số tiền ban đầu hàng chục triệu đồng để làm đất, mua phân bón, cây giống. Trong đó, giống được bà chọn trồng là giống thực sinh TR4 mua về từ viện Eakmat Đắk Lắk.
Hiện vườn cà phê của gia đình bà Bình đã xuống giống được gần 1 tháng. Cây cà phê đã bám đất, bắt đầu bén rễ, lá xanh, cây khỏe.
Bà Bình hy vọng: “Tôi ráng đầu tư phân bón, chăm sóc để cà phê phát triển khỏe mạnh. Chừng 3 năm nữa là có thu hoạch. Tôi mong là cà phê sẽ tiếp tục được mùa, được giá”.
Mùa mưa năm nay, ông Nguyễn Bá Nam, thôn Đồng Tiến, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa trồng mới hơn 1ha cà phê. Ông Nam cho biết, rẫy của gia đình rất dốc, đất không được màu mỡ, nên trước đây chỉ trồng điều.
Nhưng nhiều năm liên tục cây điều mất mùa, mất giá, gia đình ông hầu như không thu được đồng nào từ vườn rẫy.
Chính vì thế, ông đã chuyển đổi vườn điều sang trồng cà phê với mong muốn có thu nhập cao hơn. Để bảo đảm an toàn trong sản xuất, ông chọn trồng mới bằng cây giống ươm thực sinh.
Theo Sở NN-PTNT, hai năm nay, người dân đẩy mạnh các hoạt động tái canh cà phê. Riêng năm 2023, diện tích trồng mới cây cà phê toàn tỉnh khá lớn, với mức khoảng 2.500 ha.
Cà phê là cây trồng có sự phát triển ổn định về diện tích, năng suất, chất lượng. Tuy nhiên, người dân không nên ồ ạt chuyển đổi cây trồng khác sang cà phê, vì dễ dẫn đến các nguy cơ về mất cân đối cơ cấu sản xuất, có thể dẫn đến cung vượt cầu, đẩy giá xuống thấp.
Cũng theo Sở NN-PTNT, người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã nên tập trung chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp bằng biện pháp tái canh, ghép cải tạo theo hình thức cuốn chiếu.
Trong đó, bà con cần ưu tiên thực hiện đối với những vườn cà phê có độ tuổi từ cao đến thấp, những khu vực sản xuất cà phê tập trung để hình thành vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao.
Trên những vùng đất phù hợp, bà con thực hiện việc tái canh, ghép cải tạo giống đối với diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Điều này sẽ góp phần nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm cà phê của tỉnh, hình thành các vùng sản xuất tập trung bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ.
Giai đoạn 2021 - 2025, Đắk Nông tập trung ổn định diện tích cà phê khoảng 130.000ha, sản lượng đạt 370.000 tấn/năm. Các cấp, ngành tích cực lồng ghép các chương trình, dự án, đề án để thực hiện có hiệu quả việc cải tạo giống, tái canh vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, thu nhập cho nông dân.