Đắk Nông linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân, các địa phương ở Đắk Nông đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Nhằm phòng tránh hạn cuối vụ đông xuân, người dân các địa phương đã linh hoạt chuyển đổi nhiều diện tích trồng lúa trên những chân đất cao, không bảo đảm nguồn nước.
Cụ thể, người dân các địa bàn đã chuyển đổi 207 ha đất trồng lúa sang gieo trồng các loại cây có nhu cầu về nước ít hơn như: bắp, khoai lang, bí đỏ... Diện tích chuyển đổi chủ yếu tập trung tại các huyện: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Song…
Theo lãnh đạo Sở NN – PTNT tỉnh, việc thực hiện chuyển đổi cây trồng trên đất lúa góp phần giúp quá trình sản xuất nông nghiệp tại các địa phương thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập.
Gia đình ông Trần Văn Hùng, ở thôn Cao Sơn, xã Buôn Choáh (Krông Nô) có 5 sào đất ruộng. Trước đây, ông Hùng thường sản xuất 2 vụ lúa/năm. Nhưng năm nay, do nguồn nước thiếu hụt, ông đã chuyển sang trồng 1 vụ lúa, 1 vụ bắp.
Ông Hùng cho biết: “Nếu trồng lúa sẽ thiếu nước vào cuối vụ. Do đó, tôi chuyển sang trồng bắp vì nhu cầu nước tưới ít hơn. Việc chuyển đổi đã giúp giảm chi phí sản xuất, tránh được rủi ro do hạn hán”.
Theo ông Hùng, những năm qua, trung bình một ha đất trồng lúa cho lợi nhuận trên 20 triệu đồng. Trong khi đó, những diện tích đất lúa khó khăn về nguồn nước chuyển sang trồng bắp lai cho lợi nhuận trên 60 triệu đồng/ha.
Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng NN – PTNT huyện Krông Nô cho biết, hằng năm, Krông Nô đều xây dựng kế hoạch chuyển đổi từ 500 - 600 ha cây trồng các loại.
Tùy theo điều kiện sản xuất của từng mùa vụ, huyện hướng dẫn người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp để tránh hạn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Riêng vụ đông xuân này, nhờ tích cực chuyển đổi cây trồng, nên giá trị sản xuất ở Krông Nô đạt nhiều kết quả khả quan. Trong đó, bắp thương phẩm đạt 61 triệu đồng/ha; khoai lang 120 triệu đồng/ha; bí đỏ 100 triệu đồng/ha...
Vụ đông xuân vừa qua, những hộ thực hiện chuyển đổi cây trồng đều áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, thực hiện luân canh, tăng vụ, nên hiệu quả sản xuất được nâng cao.
Bên cạnh chuyển đổi đất trồng lúa, các địa phương cũng thực hiện tốt việc chuyển đổi đất trồng cây công nghiệp dài ngày. Tại các huyện Tuy Đức, Krông Nô, Đắk Glong… người dân đã linh hoạt chuyển đổi đất trồng cà phê, hồ tiêu trên đất đồi, xa nguồn nước sang trồng cây mắc ca, cây dổi đỏ.
Biện pháp chuyển đổi này bước đầu giúp các nhà vườn thực hiện hiệu quả mô hình sản xuất nông lâm kết hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao hệ số sử dụng đất và tăng giá trị thu nhập trên cùng 1 đơn vị diện tích.
Theo ông Nguyễn Thiện Chân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông nghiệp Đắk Nông, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả là phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh.
Chuyển đổi cây trồng phù hợp giúp các địa phương khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu, phát triển sản xuất theo hướng bền vững.
Vụ đông xuân 2022-2023, nông dân Đắk Nông gieo trồng trên 10.230 ha cây trồng các loại, đạt 99% kế hoạch. Trong đó, diện tích lúa 5.193, đạt 100,61% kế hoạch; bắp 2.092 ha, đạt 109,61% kế hoạch; khoai lang 1.214 ha, đạt 83,08% kế hoạch; rau các loại 1.570 ha, đạt 95,59% kế hoạch…