Đắk Nông liên kết để phát triển bền vững công viên địa chất
Sau khi Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông được công nhận lần 1 và lần 2, địa phương có những giải pháp để khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của di sản.
Mô hình phát triển đang được ưa chuộng
Hiện nay Việt Nam có 3 CVĐCTC gồm CVĐCTC Cao nguyên Đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang được công nhận vào năm 2010; CVĐCTC Non nước Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng được công nhận vào năm 2018 và CVĐCTC Đắk Nông, tỉnh Đắk Nông được công nhận vào năm 2020 và 2024.
Mạng lưới CVĐCTC hiện có 213 thành viên. Đây được xem là mô hình phát triển đang được ưa chuộng của nhiều quốc gia trên thế giới; trong đó, CVĐCTC Đắk Nông là thành viên non trẻ nhất.
Theo tiêu chí của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp quốc (UNESCO) và Mạng lưới CVĐCTC, một CVĐC được công nhận là CVĐCTC phải bảo đảm 3 giá trị cốt lõi: chứa đựng các giá trị di sản địa chất có ý nghĩa mang tầm quốc tế, quốc gia hoặc khu vực; chứa đựng các giá trị văn hóa địa phương; có các yếu tố về đa dạng sinh học đặc trưng cho khu vực.
Với danh hiệu CVĐCTC, không chỉ góp phần nâng tầm các giá trị di sản của địa phương sánh ngang với các giá trị di sản chung của nhân loại, mà còn góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo nên thương hiệu để thế giới nhận diện trên trường quốc tế. Đây là cơ hội được truyền thông rộng rãi trên các phương tiện thông tin báo chí quốc tế uy tín như website của UNESCO, website của các thành viên Mạng lưới CVĐCTC, Hội chợ thương mại quốc tế thường niên ở Berlin (Đức)… được mở ra.
Bên cạnh đó, khi xây dựng thành công CVĐCTC, được quảng bá ra thế giới sẽ thu hút các nhà khoa học, giới chuyên môn đến thực hiện các dự án nghiên cứu chuyên sâu. Qua đó, tăng hàm lượng tri thức khoa học của các điểm di sản, tăng tính độc đáo, hấp dẫn cho nguồn tài nguyên du lịch địa phương.
Tạo thương hiệu riêng, đặc trưng
Qua học hỏi các tỉnh bạn và với sự tư vấn của các chuyên gia, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đã định hướng cho mình một chủ đề phát triển xuyên suốt, từng bước tạo nên một “thương hiệu nhận dạng” riêng biệt và độc đáo, đó là: CVĐCTC UNESCO Đắk Nông - Xứ sở của những âm điệu.
Ý tưởng này được khởi nguồn từ những sự kiện rất riêng của vùng đất và con người nơi đây. Trước hết CVĐCTC UNESCO Đắk Nông nằm trọn vẹn trong “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, được UNESCO công nhận là “Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại”.
Mặt khác, CVĐC TC UNESCO Đắk Nông được biết đến là quê hương của đàn đá - một trong những nhạc cụ lâu đời nhất của nhân loại được tìm thấy ở Việt Nam và trên thế giới, có niên đại khoảng 3.000 năm cách ngày nay. Đây là vùng đất hội tụ 40 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 3 dân tộc cư trú lâu đời nhất là Mạ, M’nông, Ê đê. Chính những thanh âm từ giọng nói, lời ca, âm điệu của cuộc sống thường nhật đã tạo nên sự đa dạng về mặt âm thanh tại vùng đất Đắk Nông trù phú.
Việc tạo “thương hiệu nhận dạng” riêng biệt, hiện nay, tỉnh Đắk Nông đang tập trung vào việc quảng bá hình ảnh du lịch bằng việc sử dụng danh hiệu CVĐCTC trong các tài liệu truyền thông, website và mạng xã hội để tăng cường sự chú ý và thu hút du khách quốc tế.
Với các giá trị đặc trưng về địa chất, địa mạo, văn hóa, tỉnh ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc thù và duy nhất tại Việt Nam như: khám phá hang động dài nhất Đông Nam Á (hang C7); khám phá hang động có dấu vết cư trú của người tiền sử duy nhất trên thế giới (hang C6.1)… Địa phương xây dựng 3 tuyến du lịch trải nghiệm với 41 điểm đến hấp dẫn, là sự đan xen, kết hợp giữa các yếu tố văn hóa, địa chất, địa mạo và đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực.
Với việc sử dụng danh hiệu CVĐCTC UNESCO như một lợi thế cạnh tranh, Đắk Nông mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các dự án phát triển hạ tầng, khu nghỉ dưỡng, các dịch vụ du lịch chất lượng cao. Tỉnh thiết lập mối quan hệ hợp tác với các tổ chức, viện nghiên cứu, Mạng lưới CVĐCTC để trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật và mở rộng thị trường du lịch.
Học hỏi nhiều kinh nghiệm quý
Là thành viên trẻ nhất trong Mạng lưới CVĐCTC UNESCO, từ góc độ quản lý, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông có thể học tập nhiều kinh nghiệm quý của Hà Giang và Cao Bằng.
Cụ thể, trong công tác quản lý và bảo tồn di sản, cả hai CVĐCTC UNESCO Cao nguyên Đá Đồng Văn và Non nước Cao Bằng đều đã hoàn thiện và triển khai thực hiện Đề án khoanh vùng di sản và đề xuất phương án phát huy tổng thể các giá trị di sản. Đây là cơ sở để tỉnh Hà Giang và Cao Bằng đưa ra các quy hoạch, kế hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, phát huy hiệu quả giá trị di sản.
Ngoài ra, việc khoanh vùng còn giúp các địa phương xác định ranh giới cụ thể về vùng lõi, vùng tiếp giáp và vùng phát triển, làm cơ sở pháp lý trong quá trình xem xét cấp chủ trương các dự án đầu tư trong vùng CVĐC.
Trong liên kết phát triển tour, tuyến liên tỉnh, năm 2023, 2 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng đã khảo sát và xây dựng tuyến du lịch trải nghiệm kết nối giữa 2 CVĐCTC UNESCO Cao nguyên Đá Đồng Văn và CVĐCTC UNESCO Non nước Cao Bằng. Các chuyên gia của Mạng lưới CVĐCTC đã đánh giá rất cao nỗ lực hợp tác phát triển này của hai địa phương và giữa hai CVĐCTC.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh khẳng định, học hỏi các tỉnh bạn tập trung vào 3 nội dung nói trên, hiện nay CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đang xúc tiến triển khai xác định ranh giới các di sản cần bảo vệ, tránh xâm hại di sản một cách vô ý. Đồng thời, tỉnh định hướng để xây dựng và thu hút các nguồn lực đầu tư trong thời gian tới.
Đắk Nông hướng đến việc kết nối với các điểm đến di sản trong Con đường di sản miền Trung - Tây Nguyên để đưa các điểm đến của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đến gần hơn với du khách. Đắk Nông cũng xúc tiến xây dựng, hình thành các mô hình du lịch cộng đồng gắn với CVĐC. Bởi vì, chỉ khi người dân yêu thích, biết làm du lịch thì lúc đó, các giá trị di sản mới được gìn giữ và trao truyền một cách trọn vẹn nhất.
Đến nay, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác song phương và đa phương về các lĩnh vực bảo tồn di sản địa chất, phát triển du lịch (đặc biệt là du lịch địa chất) và giáo dục khoa học địa chất với các CVĐC toàn cầu khác trong khu vực và quốc tế như: CVĐC toàn cầu UNESCO Maros Pangkep (Indonesia), CVĐC toàn cầu UNESCO Mudeungsan (Hàn Quốc), CVĐC toàn cầu UNESCO Khorat (Thái Lan), CVĐC toàn cầu UNESCO Aso (Nhật Bản), CVĐC toàn cầu UNESCO Rinjani - Lombok (Indonesia), CVĐC toàn cầu UNESCO Jeju (Hàn Quốc).